Bình Dương: “Cát tặc” chuyển vùng xuống sông Thị Tính

Gần 2 tháng nay, việc “cát tặc” chuyển vùng hoạt động xuống sông Thị Tính ở Bình Dương sau khi toàn bộ mỏ cát khu vực lòng hồ Dầu Tiếng buộc tạm ngưng hoạt động từ tháng 5.2019.

“Cát tặc” chuyển vùng hoạt động

Trước hoạt động khai thác cát diễn ra phức tạp khu vực lòng hồ Dầu Tiếng gây ảnh hưởng đến chất lượng nước, giữa tháng 5.2019, Bộ NN&PTNN ra văn bản đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước tạm dừng khai thác cát khu lòng hồ.

Bà Nguyễn Thị Hiếu – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Tây Ninh cho biết, đến nay tỉnh chưa cho phép các mỏ cát hoạt động trở lại. Hiện chất lượng nước hồ Dầu Tiếng đã cải thiện đáng kể, nước hồ đã trong xanh trở lại.

Giữa tháng 5.2019 Bộ NN&PTNN ra văn bản đề nghị các tỉnh tạm dừng khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Tạm dừng khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Việc tạm ngưng khai thác cát các mỏ được cấp phép khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, khiến “đất sống” của “cát tặc” bị thu hẹp. Một số đối tượng đã chuyển địa bàn hoạt động.
Theo phản ánh của người dân huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, từ khi cấm khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng, gần 2 tháng nay nhiều thuyền của “cát tặc” kéo về neo đậu khai thác cát dưới lòng sông Thị Tính, Bình Dương.

Hiện chất lượng nước hồ Dầu Tiếng đã cải thiện đáng kể.

Ngang nhiên lập bến bãi, rút ruột sông Thị Tính

Sông Thị Tính – bắt nguồn từ Bình Phước hướng hồ Dầu Tiếng chảy qua Bình Dương hòa vào sông Sài Gòn. Gần đây đoạn qua ấp Kiến An, xã An Điền, huyện Bến Cát có nhiều biến đổi.

Theo ghi nhận, chưa đầy 1km có hai bến bãi (người dân quen gọi là bến Cá Ngựa và bến Mui) mới được mở ra. Bờ sông cũng được đóng cừ tràm, có đường dẫn vào đống cát lớn được tập kết tại đây.

Tại bến Cá Ngựa một đống cát xây dựng lớn được tập kết về đây.

Anh N.V.N (36 tuổi, người dân địa phương) cho biết, từ 15h-21h mỗi ngày có hàng chục lượt xe ben (loại xe 15m³) vào hai bến bãi này chở cát ra. Các đống cát lớn ở đây do thuyền ghe hút cát dưới sông bơm lên trong đêm.

Ở dưới lòng sông tại bến Cá Ngựa và bến Mui có 4 chiếc thuyền được trang bị máy nổ, ống bơm hút. Khi trời sẩm tối, những chiếc thuyền này bắt đầu nổ máy rời bến.

Khi trời sẩm tối những chiếc xe ben còn đang lấy cát thì dưới sông chiếc thuyền rời bến Cá Ngựa đi hút cát.

Theo chân người dân địa phương bám theo chiếc thuyền rời bến Cá Ngựa lúc 18h, băng qua những vườn cao su hướng thượng nguồn sông Thị Tính, phóng viên ghi nhận, chiếc thuyền này neo đậu cách bến gần 1km. Trời tối, những người trên thuyền bắt đầu đưa ống hút thọc xuống lòng sông Thị Tính hút cát.

Nghe tiếng máy nổ, người dân địa phương sợ “cát tặc” hút cát phía vườn cao su gây sạt lở đã chạy ra rọi đèn vào chiếc thuyền. Thấy “động”, các đối tượng trên thuyền vội tắt đèn thu vòi dưới sông, di chuyển đến nơi khác.

Chiếc thuyền này đi về thượng nguồn khoảng 1km thì neo đậu hút cát dưới sông Thị Tính

Hoạt động của “cát tặc” đã khiến những người dân tại đây bức xúc. Theo ông T.T.H (45 tuổi), hiện bờ sông bắt đầu sạt lở ngày một nghiêm trọng. Ở những bến bãi các đối tượng đang san lấp có dấu hiệu lấn sông lấp rạch làm thay đổi địa hình tự nhiên. Việc các xe ben chở cát liên tục ra vào, chạy nhanh cũng gây nguy hiểm cho người dân.

Chưa cấp phép cho khai thác cát xây dựng trên sông Thị Tính

Trao đổi với phóng viên, Sở GTVT Bình Dương cho biết, không cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa nào trên sông Thị Tính đoạn qua xã An Điền, thị xã Bến Cát.

Khi bị người dân rọi đèn xua đuổi, những người trên thuyền rút ống hút cát dưới sông lên di chuyển đi nơi khác.

Về việc cấp phép khai thác cát xây dựng trên sông Thị Tính, theo ông Phạm Danh – GĐ Sở TNMT Bình Dương, tỉnh chưa cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào khai thác cát xây dựng trên sông này. Hiện có một đơn vị xin thực hiện dự án nạo vét sông Thị Tính đoạn ngã ba giao với Sông Sài Gòn nhưng tỉnh đang còn xem xét.

Về trách nhiệm quản lý khai thác cát trái phép trên sông Thị Tính, ông Phạm Danh cho biết, sự việc xảy ra ở đoạn qua địa phương nào thì UBND địa phương đó chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý.

NHÓM PV / Báo Lao Động 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here