Chuyện lạ Bình Dương: Phát điện dư dả từ…phân của 2.000 con heo

Ông Thiều Quang Túc, ngụ ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương là một trong những nông dân tiên phong sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn huyện. Nguồn điện phát của gia đình ông Túc có nguồn gốc từ…phân heo.

Từ nhu cầu thực tế

Theo chân ông Nguyễn Văn Trưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Lập, chúng tôi vượt hơn 10km đường đất đỏ, len lỏi trong lô cao su rồi đến “đại bản doanh” của ông Thiều Quang Túc ở tổ 4. Đây là khu chăn nuôi, sản xuất biệt lập, gần khu vực các con suối nhỏ.

Khu chăn nuôi, sản xuất đã được ông Túc gầy dựng từ năm 1994. Ông chia sẻ, trước đây cuộc sống gia đình ông chủ yếu dựa vào các loại cây trồng, đánh bắt cá, tôm trên các con suối nhỏ gần nhà. Sau đó, ông đầu tư trồng cao su. Tuy vậy, khu vực đất cao ráo cây cao su phát triển tốt, còn tại các khu vực bàu, ven suối cây không phát triển được.

Ông Túc đang khởi động hệ thống máy phát điện chạy bằng khí Biogas của gia đình. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Đến năm 2000, khu đất trũng thấp ông chuyển sang nuôi heo. Ban đầu chăn nuôi thủ công, ngoài phân heo ông lấy bón cho cây cao su, còn nguồn nước thải đều đổ ra suối, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Để giải quyết vấn đề này, ông chuyển sang thu gom chất thải từ trang trại heo để xử lý biogas làm chất đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày của gia đình, giải quyết triệt để vấn đề môi trường.

Tiết giảm chi phí, bảo vệ môi trường

Tuy nhiên, với trang trại chăn nuôi trên 2.000 con heo thịt và heo giống luôn cho một lượng chất thải lớn, trong khi việc dùng khí biogas của gia đình ông không nhiều, chủ yếu đun nấu cho 3 hộ gia đình nên rất lãng phí. Trăn trở, băn khoăn làm sao tận dụng hết nguồn khí Biogas thu gom được, giảm chi phí trong chăn nuôi và cả trong sinh hoạt gia đình đã thôi thúc ông nảy sinh ý tưởng biến nguồn khí đó thành điện phục vụ cho trang trại chăn nuôi và cho sinh hoạt gia đình. Từ đó, ông tích cực tìm hiểu trên sách báo, internet về kỹ thuật biến khí Biogas thành điện.

Qua thời gian tìm hiểu, ông quyết định bỏ vốn đầu tư gần nửa tỷ đồng để lắp đặt lại hệ thống hầm xử lý chất thải từ chăn nuôi heo và tạo khí biogas một cách triệt để, hiệu quả nhất. Theo đó, ông đào hố và lắp đặt túi khí lớn hơn, sâu hơn, đồng thời xây dựng lại hệ thống dẫn chất thải và lắp đặt hệ thống dẫn khí lớn hơn. Ông mua 3 máy phát điện chạy bằng khí Biogas, trong đó 2 máy công suất 1KvA và 1 máy công suất 0,5KvA.

Từ khi lắp đặt hệ thống máy phát điện chạy bằng khí Biogas, toàn bộ nguồn khí sản sinh được trong quá trình xử lý chất thải từ chăn nuôi heo đã được ông tận dụng triệt để, thậm chí có thời điểm không đủ đáp ứng yêu cầu. Với hệ thống điện này, ông đã lắp đặt trở lại để chiếu sáng, sưởi cho heo; ngoài ra còn dùng vào việc thắp sắng. Không chỉ thắp sáng cho gia đình, các con, ông còn cho 2 hộ trong xóm cùng dùng.

Nhờ có hệ thống điện này, mỗi tháng gia đình ông chỉ còn sử dụng khoảng hơn 500.000 đồng tiền điện của Nhà nước. Đó là chưa kể gia đình 2 đứa con ông và 2 gia đình trong xóm cũng giảm đáng kể tiền điện.

“Điều làm tôi hài lòng nhất với hệ thống máy phát điện chạy bằng khí Biogas này chính là giúp bảo vệ môi trường, không phải xả khí biogas dư như trước đây và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, trong bối cảnh hệ thống điện lưới quốc gia luôn trong tình trạng quá tải và thiếu điện phục vụ nhu cầu của người dân như hiện nay”, ông Túc nói.

Theo Hoài Phương (Báo Bình Dương)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here