Làng nghề làm lu đất hơn trăm tuổi ở Bình Dương

Gần chục xưởng ở xã Tương Bình Hiệp vẫn tất bật sản xuất mỗi ngày hàng trăm cái lu, vại, khạp… đất bán khắp cả nước.

Lò sản xuất lu ở xã Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) có tuổi đời hơn trăm năm. Sản phẩm trong vùng chủ yếu là gốm gia dụng như lu vại, khạp, chậu… thiết thực cho đời sống của những người làm nông – ngư nghiệp, thay vì sản xuất hàng gốm mỹ nghệ.

Tại lò lu Đại Hưng, ông Nguyễn Văn Bình (60 tuổi) tất bật xúc từng xe rùa đất sét đổ vào nước để đánh tạo bùn. “Đất làm lu chủ yếu được lấy ở huyện Bến Cát. Loại đất ở đây khá tốt, dai, mịn nên rất thích hợp để làm đồ gốm”, người đàn ông 30 năm làm nghề nói.

Hiện tại, hầu hết công đoạn làm lu ở đây vẫn giữ lối thủ công truyền thống. Đất sét sau khi đánh nhuyễn được đổ tràn vào những chiếc khuôn tròn nhiều kích cỡ. Người thợ dùng tay miết để từng miếng đất dính với nhau tạo thành miệng lu. Công việc này cần phải khéo tay để lu ra hình đẹp, mịn, không bị vỡ khi phơi khô.

“Những chiếc lu nhỏ thường được gọi là khạp, chỉ cần một khuôn là làm được. Loại lu lớn phải dùng đến ba cái khuôn rồi ghép từng mảnh với nhau trước khi đem phơi khô”, một công nhân chia sẻ.

Lu cỡ lớn phải dùng 40 ký đất sét, có thể chứa 200 lít nước, thường được dùng để đựng nước mưa, rượu, làm mắm… Những lu lớn đều được vẽ trang trí hình rồng phượng ở gần miệng.

Người thợ làm gốm dội lên những chiếc lu một lớp nước hồ để sản phẩm khi nung bóng mịn, có màu sắc bắt mắt.

Nhóm thợ ở xưởng của ông Năm Xuẩn mang lu ra phơi trước khi bỏ vào lò nung. Theo các chủ lò, nếu trời nắng đẹp thì chỉ cần phơi trong vài ngày lu sẽ khô.

Một lò chứa được gần 40 cái lu lớn, mỗi xưởng có trung bình 15 lò nung. “Thường thì độ chục ngày khi các lò đầy lu thì xưởng mới bắt đầu nung. Lu phải được nung bằng củi khô, đốt liên tục ở 1.200 độ C trong thời gian năm tiếng thì ra thành phẩm”, ông Hồ Văn Lớn cho biết.

Sản phẩm lu, khạp, vại… của các lò ở xã Tương Bình Hiệp khi nung xong có màu men vàng sẫm đặc trưng. Theo các chủ xưởng, mỗi ngày cơ sở ở đây sản xuất được trung bình 150 cái lu lớn nhỏ.

Mỗi ngày đều có thương lái đến thu mua lu của các xưởng trong xã. Sản phẩm được bán khắp cả nước và xuất sang Lào, Campuchia, Trung Quốc…

Nhiều ghe thuyền của thương lái miền Tây cũng đậu san sát bờ sông Sài Gòn để thu mua lu. “Mỗi tháng tôi đều chạy ghe lên, neo đậu một tuần ở đây, chờ nhập đủ 500 cái lu thì xuôi về bán, có khi giao hàng sang tận Campuchia”, anh Rẫy (38 tuổi, quê Tiền Giang) nói.

Những chiếc lu lớn có giá bán sỉ khoảng 380.000 đồng, loại nhỏ 150.000 đồng và mùa mưa là thời điểm đắt hàng nhất.

Theo Quỳnh Trần (VnExpress)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here