Cận cảnh 43ha ‘đất vàng’ ở Bình Dương chuyển nhượng trái quy định

Khu đất 43ha ở Bình Dương là tài sản công nhưng Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là TCT Bình Dương) là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tỉnh ủy Bình Dương đã tự ý chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác. Thương vụ chuyển nhượng đất có dấu hiệu mập mờ, tự ý định giá đất “giá bèo” gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng…

Cận cảnh Khu đô thị Tân Phú

Vào ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản số 407-CV/TU về việc phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của TCT Bình Dương thì đây là khu đất nằm trong danh mục chuyển giao từ TCT Bình Dương sang Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương. Như vậy, có thể thấy được rằng khu đất 43ha này không nằm trong danh sách tài sản thành lý trước khi cổ phần hóa hay quản lý của TCT Bình Dương.

Thế nhưng, Công ty TCT Bình Dương đã thực hiện chuyển 43ha đất cho doanh nghiệp khác mà cụ thể là Công ty Tân Phú. Từ đó, có thể nói TCT Bình Dương đã tự ý giao dịch khu đất thuộc tài sản công.

Sau đó, ngày 13/3/2017 TCT Bình Dương đã có văn bản số 39/TCTY gửi Tỉnh ủy Bình Dương về việc xin chủ trương chuyển nhượng 30% phần vốn góp của công ty tại Công ty Tân Phú. Theo văn bản này, Công ty Tân Phú được thành lập theo thỏa thuận ngày 1/7/2010 giữa TCT Bình Dương và Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc), theo chủ trương 1830-CV/TU ngày 17/10/2010 của Tỉnh ủy Bình Dương. Tỷ lệ vốn góp trong liên doanh, Công ty Âu Lạc 70% và TCT Bình Dương 30%, để thực hiện đầu tư kinh doanh trên diện tích 43 ha với dự án khu đô thị – thương mại – dịch vụ Tân Phú (KĐT Tân Phú) nay thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP. HCM.

Dự án Khu đô thị Tân Phú được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, dự án tạm ngưng sau đó. Để tiếp tục thực hiện dự án, Công ty Âu Lạc đã có văn bản số 21/AL/2017 ngày 7/3/2017 đề nghị TCT Bình Dương xem xét chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú cho Âu Lạc với lý do là để chủ động thực hiện dự án.

Tại văn bản số 39/TCTY cũng nêu rõ, theo chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương về phương án 43 ha để thực hiện dự án khu đô thị Tân Phú được chuyển giao về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương và công ty này sẽ kế thừa phần vốn góp của TCT Bình Dương tại Công ty Tân Phú sau khi TCT Bình Dương cổ phần hóa. Tuy nhiên, để thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng về điều khoản chuyển giao khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú và quyết toán nghĩa vụ thuế thu nhập đối với hợp đồng đang thực hiện dở dang, Tổng công ty đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao khu đất trực tiếp cho Công ty Tân Phú và quyết toán thuế vào niên độ 2016.

Theo TCT Bình Dương do đang có nhu cầu đầu tư nhiều dự án khác nên việc thoái 30% vốn đầu tư vào Công ty Tân Phú là cần thiết. Đồng thời, Công ty Âu Lạc là chủ sở hữu 100% dự án thì sẽ chủ động hơn trong việc triển khai đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh mạng lại hiệu quả. Do đó, TCT Bình Dương kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất chủ trương cho phép Tổng công ty chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc theo phương thức thỏa thuận dựa trên cơ sở giá thẩm định của các đơn vị thẩm định giá có chức năng. Sau đó, ngày 20/4/2017 Tỉnh ủy Bình Dương đã có thông báo số 287-TB/TU về kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho TCT Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, Tổng công ty phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm việc ký hợp đồng, thu tiền đúng theo quy định.

Ngày 2/8/2017 TCT Bình Dương và Công ty Âu Lạc đã ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú với giá 161,1 tỷ đồng. Nhờ chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương, TCT Bình Dương đã hợp thức hóa cho giao dịch “ngầm” chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú trước đó.

Số tiền có thể thất thoát ngân sách bao nhiêu sau chuyển nhượng?

Vào ngày 30/11/2016, Hội đồng thành viên của TCT Bình Dương đã tự đưa ra giá bán 250,1 tỷ đồng cho 43 ha đất thuộc doanh nghiệp Nhà nước quản lý, sử dụng. Căn cứ theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn thì bảng giá đất ở đô thị tại dự án KĐT Tân Phú, mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2; vị trí 2 là 7,7 triệu đồng/m2; vị trí 3 là 5,64 triệu đồng/m2.

Khu đô thị Tân Phú nằm bên 2 mặt tiền đắt giá ở Bình Dương là Phạm Ngọc Thạch và Võ Văn Kiệt.

Theo quy hoạch 1/500 thì vị trí 1 của dự án sẽ chiếm khoảng 100.000 m2 đất ở và nếu được áp giá tại quy định của UBND tỉnh Bình Dương thì giá trị của nó đã là khoảng 2.457 tỷ đồng. Với diện tích đất ở còn lại được nhân với giá trung bình của vị trí 2 và 3 là 6,67 triệu đồng/m2 thì giá trị khoảng 667 tỷ đồng. Tổng hai con số trên thì tại KĐT Tân Phú sẽ là khoảng 3.124 tỷ đồng, gấp gần 12,5 lần so với giá TCT Bình Dương đã bán cho Công ty Tân Phú. Trong khi đó, bằng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương được áp dụng cho 43ha thì giá trị sẽ khoảng 6.200 tỷ đồng.

Có thể thấy rõ, nếu áp dụng bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương cho diện tích đất ở theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt thì vào thời điểm cuối 2016 thì ít nhất đã có khoảng 2.874 tỷ đồng bị thất thoát và nếu áp dụng cho cả 43 ha thì con số có thất thoát có thể lên đến 5.950 tỷ đồng.

Hạng mục xây dựng dang dở trong dự án

Dự án còn là bãi đất hoang vì ngưng giữa chừng

Khu đất vàng nhưng chuyển nhượng giá bèo

Dự án được quây lại bởi hàng ngàn tấm tôn

Phía ngoài là phối cảnh vô cùng lung linh

Theo Ngọc Lâm – Hương Chi (TPO)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here