Lần thứ hai liên tiếp, Bình Dương được vinh danh là một trong các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới năm 2020. Điều gì đã giúp Bình Dương đạt được thành tích này?
Phối cảnh Trung tâm thương mại thế giới tại Thành phố mới Bình Dương sẽ trở thành một khu phức hợp kết nối giao thông, văn phòng, dịch vụ… – Ảnh: B.C.M.
Vừa qua, tại thành phố New York (Mỹ), Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 địa phương, khu vực được vinh danh là đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới năm 2020.
Việt Nam có một đô thị được vinh danh trong danh sách này, đó là Vùng thông minh Bình Dương. Đáng lưu ý, đây là năm thứ hai Bình Dương được lọt vào danh sách Smart 21 (lần đầu tiên là năm 2019).
Chiến lược mới để thu hút đầu tư
“Vùng thông minh Bình Dương” là một thuật ngữ được sử dụng thời gian gần đây, gắn với đề án xây dựng “thành phố thông minh” đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thông qua. Vùng thông minh Bình Dương lấy nòng cốt là một số địa phương phát triển kinh tế xã hội mạnh của tỉnh, được quy hoạch bài bản, gồm: thành phố Thủ Dầu Một (bao gồm cả khu vực “thành phố mới”), thị xã Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát.
Đề án thành phố thông minh Bình Dương được khởi động từ năm 2016, là một nội dung cụ thể để thực hiện các chương trình phát triển đột phá của tỉnh. Đề án này lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa “ba nhà” gồm: nhà nước – nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) – nhà doanh nghiệp.
Đề án phát triển của Bình Dương được sự phối hợp, hỗ trợ của thành phố kết nghĩa là Eindhoven, Hà Lan. Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và các thành phố phát triển khác của thế giới như Hiệp hội Đô thị khoa học công nghệ thế giới, thành phố Daejeon (Hàn Quốc)…
Ý tưởng hình thành “thành phố thông minh Bình Dương” cũng chính là sự thể hiện khát khao vươn lên mạnh mẽ của các thế hệ lãnh đạo, chính quyền, doanh nghiệp và người dân Bình Dương.
Đó là câu chuyện sau hơn 20 năm thu hút thành công vốn đầu tư nước ngoài (Bình Dương liên tục dẫn đầu cả nước, hiện đứng thứ ba toàn quốc, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội), giai đoạn hiện nay Bình Dương lựa chọn thu hút vào các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, mang lại năng suất lao động và giá trị lớn hơn.
Đồng thời, với thế mạnh phát triển hạ tầng, quy hoạch bài bản; đề án thành phố thông minh còn tìm kiếm những giải pháp nhằm tăng cường tiện ích tốt hơn để phục vụ cho cuộc sống của người dân…
Với việc quy hoạch và thu hút đầu tư bài bản, Bình Dương liên tiếp được vinh danh là đô thị có chiến lược thành phố thông minh tiêu biểu thế giới. Hình tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn kết nối TP.HCM – Bình Dương – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những dự án cụ thể
Với việc liên tiếp được vinh danh trong danh sách thành phố thông minh tiêu biểu thế giới, đề án thành phố thông minh Bình Dương tới nay đã định hình rõ chiến lược phát triển và đã có những dự án cụ thể được khởi động.
Dự kiến vào tháng 11-2019, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (HORASIS) 2019 tổ chức tại Bình Dương, cơ quan chức năng sẽ chính thức công bố xây dựng Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC). Đây là dự án tầm cỡ, được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi đột phá cho thành phố mới – được quy hoạch là hạt nhân của “vùng thông minh Bình Dương”.
Trung tâm thương mại thế giới tại Bình Dương được quy hoạch trên khu đất rộng gần 24ha, hiện đã có sẵn mặt bằng liền kề Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Trung tâm này sẽ kết nối giao thông tuận tiện với các vùng của tỉnh Bình Dương và kết nối với TP.HCM (dự kiến nhà ga trung tâm của các tuyến buýt nhanh, metro cũng sẽ được đặt tại đây).
Trung tâm còn bao gồm nhiều công trình phức hợp như tòa nhà văn phòng, triển lãm hội nghị, khu mua sắm, khách sạn, giải trí…
Ngoài ra, trung tâm còn xây dựng “hạ tầng mềm” khi tạo môi trường kết nối, hình thành nên các chương trình kết nối giao thương, hợp tác giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nhà khoa học, sinh viên…
Vừa qua, Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới (WTCA) đã công bố kết nạp Trung tâm thương mại thế giới tại Thành phố mới Bình Dương trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội này. Với việc là thành viên chính thức của WTCA – một tổ chức hiện có 330 thành viên đến từ 100 quốc gia, có hơn 1 triệu doanh nghiệp tham gia – Bình Dương có nhiều cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, tạo cầu nối, môi trường để doanh nghiệp trong nước làm ăn với các đối tác trên toàn cầu.
Vị trí Trung tâm thương mại thế giới tại Thành phố mới Bình Dương liền kề trung tâm hành chính tỉnh, hiện đã có quỹ đất sạch – Ảnh: B.C.M.
Sôi nổi hoạt động
Với việc liên tiếp có tên trong danh sách “Smart 21” do Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bình chọn, Bình Dương được cộng đồng quốc tế quan tâm, tìm hiểu các cơ hội đầu tư. ICF là một tổ chức quốc tế uy tín, tới nay đã có hơn 180 thành viên là các đô thị thông minh, thịnh vượng khắp thế giới.
Dự kiến từ ngày 23 đến 26-11-2019, tại Bình Dương sẽ diễn ra Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (HORASIS) 2019 với sự tham dự của 400 khách mời cao cấp đến từ 60 quốc gia trên thế giới, cùng hàng trăm khách mời trong nước. Diễn đàn quy tụ các doanh nhân hàng đầu thế giới với nhiều phiên họp toàn thể và hàng chục phiên đối thoại diễn ra liên tiếp. Đây là lần thứ hai Bình Dương đăng cai HORASIS, sau hội nghị năm 2018 đã để lại ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế.
Theo Bá Sơn (Tuổi Trẻ)