Sáng nay 8.11, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương có cuộc họp thông tin cho báo chí liên quan đến dự án 43 ha “đất vàng” khu đô thị thương mại – dịch vụ Tân Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Khu “đất vàng” 43 ha. Đây là vị trí “đất vàng” có chiều dài phần lớn nằm trên mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch – cửa ngõ của thành phố mới Bình Dương – Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG
Tại cuộc họp, ông Bùi Hữu Toàn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương cho biết liên quan đến việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp 43 ha đất của Tổng công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corporation, viết tắt là Tổng công ty Bình Dương; trước thời điểm cổ phần hóa vào năm 2018 là 100% vốn nhà nước, đơn vị kinh tế Đảng thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) cho Công ty TNHH Đầu tư – xây dựng Tân Phú, đến nay Thanh tra tỉnh Bình Dương đã phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Do nội dung, phạm vi vi phạm vượt quá thẩm quyền của Đoàn thanh tra, nên Đoàn thanh tra đã có báo cáo, kiến nghị và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Toàn thông tin.
Liên quan đến các phi vụ Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng đất vàng “sang tay” cho tư nhân, PV Thanh Niên đã đặt ra 8 câu hỏi.
Trong đó, có đề cập đến việc góp vốn, chuyển nhượng vốn góp bằng 145 ha đất của Tổng công ty Bình Dương cho Công ty cổ phần Đầu tư – phát triển Tân Thành có hình thức tương tự như việc chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty TNHH Đầu tư – xây dựng Tân Phú; tuy nhiên, tính chất và mức độ có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng hơn. Vậy, vì sao Tỉnh uỷ Bình Dương chỉ thông tin, hoặc chuyển cơ quan thanh tra, điều tra vụ 43 ha mà không chuyển luôn vụ 145 ha? Vụ chuyển nhượng 145 ha “đất vàng” hiện nay đã có cơ quan chức năng nào thanh tra, điều tra hay chưa? Hoặc đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an hay chưa?…
Liên quan đến một số vấn đề này, ông Lê Hữu Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương, cho hay: “Hiện nay Thanh tra tỉnh Bình Dương mới chuyển hồ sơ vụ 43 ha sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương. Trong quá trình điều tra, nếu thấy cần thiết thì cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra vụ chuyển nhượng 145 ha; và sau này, Cơ quan CSĐT sẽ thông tin toàn bộ quá trình điều tra này cho báo chí”.
Ông Lê Hữu Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG
Như Thanh Niên đã thông tin, năm 2010 được sự chấp thuận của Tỉnh uỷ Bình Dương, Tổng công ty Bình Dương hợp tác với Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc thành lập Công ty TNHH Đầu tư – xây dựng Tân Phú với thoả thuận Công ty Tân Phú sẽ chi trả toàn bộ tiền giải phóng mặt bằng 43 ha đất trong Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương tại thành phố mới Bình Dương (P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Để có tiền chi trả tiền giải phóng mặt bằng, Tổng công ty Bình Dương góp vốn bằng tiền mặt 60 tỉ đồng, Công ty Âu Lạc góp vốn 140 tỉ đồng. Đến năm 2017, Tổng công ty Bình Dương thoái vốn khỏi Công ty Âu Lạc và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần (cụ thể là diện tích đất 43 ha) cho Công ty Tân Phú.
Đây là vị trí “đất vàng” có chiều dài phần lớn nằm trên mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch – cửa ngõ của thành phố mới Bình Dương.
Theo Đỗ Trường
Riêng phi vụ thâu tóm 145 ha “đất vàng” ở khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương, P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) với nhiều dấu hiệu bất thường, Báo Thanh Niên vừa điều tra, phản ánh.
145 ha “đất vàng” này nhà nước giao Tổng công ty Bình Dương có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đến 2056, nên bản chất là tài sản doanh nghiệp nhà nước. Khi góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất tại Công ty Tân Thành lần 1 vào năm 2007 và lần 2 vào năm 2017, Tổng công ty Bình Dương vẫn tự ấn định xuyên suốt chỉ với giá 6 USD/m2, quy đổi tỷ giá 1 USD chỉ 16.000 VNĐ (96.000 đồng/m2).
Trong khi vào năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành bảng giá đất thì tại khu vực này có giá từ 2,45 – 19,66 triệu đồng/m2.
Còn theo khảo sát của PV Thanh Niên vào thời điểm giữa tháng 10.2019, giá đất khu vực này đã lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2.
Sau phi vụ này, giá trị Công ty Tân Thành với quyền chi phối thuộc về tư nhân, từ khoảng 650 tỉ đồng tăng vọt lên đến hơn 5.744 (tăng vọt thêm khoảng 5.094 tỉ đồng).
Hai cổ đông tư nhân chiếm đến 70% vốn Tân Thành là Công ty CP Hưng Vượng do ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch HĐQT, chiếm 38% và Công ty TNHH Phát Triển do bà Nguyễn Thục Anh làm Chủ tịch HĐTV, chiếm 32%.
Ông Nguyễn Văn Minh cũng chính là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương và bà Nguyễn Thục Anh là con gái ông Minh.
Theo Nhật Mai
Nguồn: Báo Thanh Niên