Bình Dương: Người dân kêu cứu vì cho rằng UBND huyện Dầu Tiếng thu hồi đất trái luật?

Cho rằng UBND huyện Dầu Tiếng thu hồi 2 ki-ốt của mình không thỏa đáng, bà Huỳnh Ngọc Lan đã gửi đơn kêu cứu từ cơ quan cấp tỉnh đến cấp Trung ương.

Đường làm xong gần 20 năm vẫn thu hồi đất của dân

Vừa qua, Tòa soạn Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn khiếu nại của bà Huỳnh Ngọc Lan ngụ thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) về việc UBND huyện Dầu Tiếng thu hồi đất (2 ki-ốt) của bà và bồi thường chưa thỏa đáng, có dấu hiệu trái quy định pháp luật. (?)

Bà Lan cho biết, do không đồng ý với việc thu hồi ki-ốt có dấu hiệu trái luật nên bà đã nhiều lần khởi kiện các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Dầu Tiếng. Do không được giải quyết thỏa đáng, bà Lan tiếp tục gửi đơn tới Trụ sở tiếp Công dân Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân (Viện KSND) Tối cao.

Đơn kêu cứu của bà Lan cho rằng UBND huyện Dầu Tiếng cưỡng chế khi chưa giải quyết thỏa đáng.

Hiện, vụ việc đã được Viện KSND Tối cao tiếp nhận đơn và đang xem xét theo trình tự thủ tục Giám đốc thẩm. Tuy nhiên, sau đó ngày 21/8, UBND huyện Dầu Tiếng đã tiến hành cưỡng chế đối với 2 ki-ốt trên của bà Lan.

Liên quan nguồn gốc 2 ki-ốt ở chợ Dầu Tiếng, bà Lan cho biết, năm 1953, Quận trưởng quận Dầu Tiếng (nay là TT Dầu Tiếng) đã cho phép ông nội bà Lan là cụ Đoàn Văn Liệu xây dựng 2 ki-ốt tọa lạc tại KP2, xã Định Thành, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là KP2, đường Thống Nhất, TT Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Năm 1988, sau khi ông Liệu mất đã để lại 2 ki-ốt trên cho vợ chồng bà Lan trực tiếp quản lý, sử dụng. Đến ngày 5/6/1990, UBND huyện Bến Cát cấp giấy công nhận quyền sở hữu nhà số: 22/CNSH cho bà Huỳnh Ngọc Lan. Quá trình sử dụng, bà Lan thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nước.

2 ki-ốt của bà Lan trước và sau khi bị cưỡng chế.

Ngày 25/12/2001, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 8618/QĐ-CT về việc nâng cấp, mở rộng đường nội ô, TT Dầu Tiếng, phạm vi giải tỏa là 14m, thiết kế tính từ tim đường vào mỗi bên giải tỏa 7m.

Theo bà Lan, khi tiến hành đo vẽ bản đồ, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã đo sai khi cho rằng phần đất của bà nằm trong hành lang lộ giới là 19m2, phần đất còn lại là 13m2, do đó đã dẫn tới việc UBND huyện Dầu Tiếng cưỡng chế hai ki-ốt của gia đình bà. Bởi, khi đo vẽ thực tế thì từ tim đường vào tới đất bà Lan đã là 9,3m, trong khi phạm vi thiết kế và giải tỏa từ tim đường vào chỉ 7m như đã nêu. Hơn nữa, hiện công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng được hơn 15 năm nay.

Bà Huỳnh Ngọc Lan trao đổi với phóng viên tại Tòa soạn Pháp luật Plus.

Theo hồ sơ thể hiện, ngày 17/4/2017, UBND huyện Dầu Tiếng ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND về việc thu hồi 32m2 đất tại KP2, TT Dầu Tiếng do bà Lan đang sử dụng làm ki-ốt buôn bán (trong đó bao gồm: 13m2 ODT và 19m2 HLLG). Lý do thu hồi đất để thực hiện xây dựng công trình: Nâng cấp, mở rộng đường nội ô, TT Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng.

Cùng ngày 17/4, UBND huyện Dầu Tiếng tiếp tục ra văn bản số 202/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình của bà Lan. Theo đó, tổng kinh phí bồi thường là 220.320.000 đồng/hồ sơ (trong đó bồi thường, hỗ trợ về đất: 115.200.000 đồng; bồi thường, hỗ trợ nhà ở: 93.120.000 đồng; các chính sách hỗ trợ: 12.000.000 đồng).

Đến ngày 26/6/2019, UBND huyện Dầu Tiếng có văn bản số 597/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với hai ki-ốt nói trên của bà Lan. Tuy nhiên, sau đó có quyết định gia hạn thêm thời gian cưỡng chế đến ngày 21/8.

Viện KSND Tối cao đang xem xét

Liên quan vụ việc, bà Lan hoàn toàn không đồng tình với các quyết định trên của UBND huyện Dầu Tiếng, nhất là về phương án bồi thường. Bà Lan cho rằng, con số đó không hợp lý và không công bằng. Cụ thể, theo bà Lan, giá đất bồi thường trên không phải là giá tại thời điểm thu hồi. Bởi giá trên là căn cứ theo Thông báo số 154/TB-UBND ngày 21/3/2013, theo đó, giá hỗ trợ về đất là 3.600.000 đồng/m2. Chính vì vậy, bà Lan cho rằng, UBND huyện Dầu Tiếng chỉ hỗ trợ đất mà không bồi thường đất cho bà là không hợp lý.

Hơn nữa, bà Lan có đầy đủ giấy chứng nhận chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp phần đất đó hàng chục năm qua. Ngoài ra, bà Lan cũng không đồng tình về trình tự bồi thường, khi Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Bình Dương không hề tổ chức họp lấy ý kiến của người dân về phương án bồi thường và không công khai giá niêm yết tại UBND xã, địa điểm sinh hoạt của khu dân cư, nơi có đất bồi thường.

Hồ sơ liên quan đến việc bà Lan tố cáo UBND huyện Dầu Tiếng thu hồi đất, đền bù và cưỡng chế sai luật.

Về quyết định cưỡng chế, bà Lan cho rằng, điều này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bởi, vụ việc vẫn đang được Viện KSND Tối cao tiếp nhận chờ giải quyết.

Cụ thể, Viện KSND Tối cao tại TP HCM đã chuyển đơn của bà Lan đến Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) để giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, trong giấy xác nhận số 192/XN-VKSTC-V12, Viện KSND Tối cao cũng đã nhận đơn của bà Lan đề nghị xem xét kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm Bản án số 482/2018/HC-PT ngày 22/11/2018 của TAND Cấp cao tại TP HCM.

Thế nhưng, ngày 21/8, UBND huyện Dầu Tiếng đã thực hiện cưỡng chế đối với hai ki-ốt của bà Lan. Theo ghi nhận của phóng viên Pháp luật Plus tại hiện trường buổi cưỡng chế ngày 21/8, khi UBND huyện Dầu Tiếng tiến hành cưỡng chết đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của bà Lan và gia đình.

Để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND huyện Dầu Tiếng. Tuy nhiên, cán bộ UBND huyện này cho biết, do người phát ngôn của UBND huyện chưa được kiện toàn, lãnh đạo mới về chưa nắm rõ vụ việc nên yêu cầu phóng viên gửi lại nội dung cần xác minh và sẽ phản hồi sau.

Cần thực hiện đúng quy định về thu hồi đất

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Biên, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, khi tiến hành thu hồi đất của người dân phục vụ công trình công cộng phải thực hiện đúng theo Luật Đất đai và mới nhất là Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.

Cụ thể, theo Điểm a, Điều 7, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về việc bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân nêu rõ: Việc bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 80 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì được bồi thường về đất, cụ thể, đối với đất sử dụng có thời hạn thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi; thời hạn sử dụng đất được bồi thường là thời hạn sử dụng còn lại của đất thu hồi; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền.

Do đó, UBND huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) cần phải thực hiện đúng các quy định trên để bảo vệ quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng.

Nguyễn Tuấn – Bảo Hà (Báo Pháp Luật Plus)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here