Phát hiện hơn 500 gói bột ngọt giả Ajinomoto ở Bình Dương và hướng dẫn cách phân biệt hàng giả

Ngày 23-8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, đơn vị đang thu giữ hơn 500 gói bột ngọt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto để phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hóa giả nhãn hiệu Ajinomoto

Trước đó, Cục QLTT phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh hàng hóa ở 3 địa phương: TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TX.Bến Cát. Qua đó, đã phát hiện 529 bịch, gói bột ngọt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto.

Theo đại diện bảo hộ độc quyền của nhãn hiệu Ajinomoto, thời gian qua nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng bột ngọt kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hiện vụ việc đang tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Hưng Phước (Báo Bình Dương)

——-

Cách phân biệt bột ngọt Ajinomoto thật và giả 

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều sản phẩm bột ngọt (hay còn được gọi là mỳ chính) của nhiều doanh nghiệp, thương hiệu khác nhau. Trong đó, có một lượng không nhỏ các loại bột ngọt giả mạo nhãn hiệu của các sản phẩm uy tín, được người tiêu dùng tin dùng. Giữa năm 2016, Chi cục QLTT tỉnh Hải Dương đã tổ chức tiêu hủy nhiều loại hàng hóa vi phạm là hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng; trong đó có gần 400 gói bột ngọt giả mạo nhãn hiệu AJINOMOTO.

Bột ngọt giả thường có bao bì giả được đặt in (chủ yếu từ Trung Quốc nhập lậu vào nội địa) sau đó cho bột ngọt giả vào bao bì và ép lại bằng máy ép tay. Các loại bột ngọt giả này có thể là ngọt thật (loại đóng bao khối lượng lớn) pha chung với các loại khác như phèn, hàn the.. hoặc sử dụng bột ngọt giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay nhập lậu từ nước ngoài trộn lẫn với bột ngọt thật, chiết vào bao bì giả.

Do sử dụng máy ép thủ công bằng tay nên một trong những dấu hiệu đầu tiên để phân biệt bột ngọt giả là quan sát kỹ các mép hàn.

Đối với hàng thật: Mép hàn phẳng đều và không có bọt khí bên trong; ngày tháng sản xuất được in nổi ở mặt sau của đáy bao và rất rõ nét (6 số); bao bì dày và không nhăn; cánh bột ngọt to đều không gẫy; hình huy chương in trên bao bì có màu vàng tươi, dòng chữ “Hội chợ an toàn thực phẩm 2002” đọc được rõ ràng; chữ trên bao bì màu đỏ tươi.

Đối với hàng giả: Hình huy chương in trên bao bì có màu vàng sậm, không đọc được dòng chữ “Hội chợ an toàn thực phẩm 2002” bên trong; bao bì giòn, cứng và dễ nhăn nheo; đường hàn ở 4 cạnh bao bì không bằng nhau, đục và có nổi bọt, có kẽ hở ở đầu và hay nhăn nhúm ở góc; cánh bột ngọt không đều, gãy, có nhiều bụi trắng; ngày sản xuất được in trên bao bì hàng hóa mờ khó đọc, màu chữ được in trên bao bì có màu đỏ sẫm.

Bột ngọt Ajinomoto thật luôn có trọng lượng đúng với trọng lượng ghi trên bao bì do được đóng gói bằng máy, còn bột ngọt Ajinomoto giả có trọng lượng thiếu hoặc chỉ gần bằng trọng lượng in trên bao. Bên cạnh đó, giá cả bột ngọt AJINOMOTO giả rẻ hơn và có nhiều giá cho 1 loại sản phẩm trong khi mỗi sản phẩm thật chỉ có 1 giá duy nhất.

Theo Vũ Minh Hải (Nguồn: haiduong.dms.gov.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here