“Các chất trong mỡ lợn đã được chứng minh có tác dụng chống viêm và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Chúng ta phải tận dụng, không nên bỏ hoàn toàn”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương – khẳng định mỡ động vật, cụ thể là mỡ lợn, là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể.
Mỡ lợn chứa các loại như axit béo bão hòa, protein, vitamin A, D, đặc biệt là cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, tốt cho tế bào thần kinh. Do vậy, việc sử dụng ở mức độ vừa phải, hợp lý sẽ có tác dụng làm bền vững các mao mạch máu, bảo vệ hệ tuần hoàn của cơ thể, dự phòng xuất huyết não. Mỡ lợn cũng tham gia vào số men chuyển hóa của cơ thể, trong đó có nội tiết tố sinh dục và tuyến thượng thận.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng khẳng định bỏ hoàn toàn mỡ lợn là sai lầm, không tốt cho sức khỏe.
Sai lầm khi bỏ mỡ lợn
Bác sĩ Hưng khuyến cáo người dân không nên bỏ mỡ lợn trong các bữa ăn của gia đình. Đặc biệt, trẻ em hay người trung niên nên sử dụng mỡ lợn hoặc khi ăn thịt nên có chút mỡ để các chức năng không bị suy yếu.
Nếu quá phụ thuộc dầu thực vật mà bỏ mỡ lợn, mỡ động vật, trong thời gian dài, cơ thể sẽ khó hấp thụ, mất cân đối về dinh dưỡng, thiếu hụt một số vitamin cần thiết và có nguy cơ mắc các bệnh về xương, làm rối loạn nội tiết tố, gây suy nhược cơ thể, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Thậm chí, thị giác cũng gặp vấn đề.
TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện dinh dưỡng Quốc gia, cũng cho biết chất béo là một trong những nguồn năng lượng quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ. 1 gam chất đạm, tinh bột, đường cung cấp 4 kcal, trong khi 1 g chất béo cung cấp 9 kcal.
Mỡ heo rất tốt cho trẻ em và người trung niên
Do đó, trẻ bắt đầu ăn dặm cần phải bổ sung 5 ml chất béo/bữa, trẻ một tuổi lượng chất béo cần tăng khoảng 7 ml/bữa. Cha mẹ khi chăm con nên lưu ý phải cho trẻ ăn kết hợp cả dầu và mỡ động vật.
“Nếu không được cung cấp đủ lượng dầu mỡ theo khuyến cáo, trẻ sẽ bị thiếu năng lượng và rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương”, TS Nga cho biết.
Về lo ngại mỡ lợi làm tăng cholesterol, TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho hay thực chất, có 2 loại là cholesterol nội sinh và ngoại sinh.
“Cholesterol nội sinh nhiều hơn ngoại sinh. Điều đó có nghĩa dù không ăn mỡ lợn, cơ thể vẫn có cholesterol. Loại nội sinh mới nguy hiểm. Chất béo có trong mỡ lợn rất cần thiết cho bộ não”, TS Từ Ngữ cho hay.
Theo chuyên gia này, hiện nay, người dân có tâm lý ăn mỡ lợn sẽ mắc bệnh. Đây là do quảng cáo quá mức của những sản phầm dầu thực vật.
Chất béo có trong mỡ lợn rất cần thiết cho bộ não
“Dầu thực vật chỉ nên dùng ăn sống. Khi đun nóng, chúng sẽ sinh ra chất độc hại. Do đó, không nên xào nấu với dầu ăn, đặc biệt tái sử dụng dầu đã qua một lần nấu sẽ càng độc hại. Còn mỡ lợn thì không lo lắng điều này”, TS Từ Ngữ cho biết thêm.
Ăn như thế nào để có lợi cho sức khỏe?
Theo bác sĩ Hưng, bỏ mỡ lợn hay dầu thực vật đều không tốt cho cơ thể. Người dân nên dùng song song, hài hòa và với liều lượng cụ thể của từng loại cho từng độ tuổi để vừa tốt, vừa tránh được bệnh tật.
Với mỡ lợn, những người có độ tuổi ngoài 50, người đang bị rối loạn chuyển hóa chất béo (tăng cholesterol) mới phải kiên. Trẻ em và người bình thường nên ăn hàng ngày với lượng vừa đủ.
Dầu thực vật chỉ nên xào qua, vừa phải, không nên xào nấu quá kỹ. Dùng dầu chiên đi chiên sẽ khiến sản sinh chất có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, bác sĩ Hưng cũng cảnh báo người dân nên quan tâm tới quá trình bảo quản của cả dầu thực vật và mỡ. Chính việc bảo quản thực phẩm tốt hay xấu sẽ ảnh hưởng tới tác dụng và cả tác hại của dầu ăn hay mỡ động vật.
Theo Song Anh (Zing)