Công ty CP Xe lửa Dĩ An tiếp nhận những chiếc đầu máy hơi nước đã “nghỉ hưu” gần nửa thế kỷ về phục hồi, nhiều người “trong cuộc” đã không tin.
Đầu máy hơi nước được hồi sinh, chạy thử thành công khiến những công nhân, kỹ sư Công ty CP Xe lửa Dĩ An vui mừng không tả xiết
Tuy nhiên, lần lượt những chiếc đầu máy “cổ lỗ sĩ” được hồi sinh, vận hành tốt đã minh chứng cho những nỗ lực của đơn vị, trong đó có vai trò của tập thể lãnh đạo, nói được làm được.
Sống lại dự án cả chục năm bị đóng băng
Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi gặp kỹ sư Nguyễn Văn Hiến (SN 1946, người có 35 năm gắn bó với đầu máy hơi nước) tại Công ty CP Xe lửa Dĩ An. Ông Hiến đã và đang là “tổng chỉ huy” đội ngũ kỹ sư, công nhân trực tiếp thực hiện dự án khôi phục các đầu máy hơi nước. Ông cho biết, lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam được viết nên những trang đầu bằng việc mở các tuyến đường sắt và đưa các đầu máy hơi nước vào vận hành.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hiến cho biết thêm: “Việc khôi phục sửa chữa hai đầu máy hơi nước thành công cũng mang lại giá trị kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Những chiếc đầu máy này, khoảng từ tháng 10 tới sẽ phục vụ dự án chạy tàu hơi nước du lịch tuyến Đà Nẵng – Lăng Cô…”
Đầu máy hơi nước được người Pháp đưa sang Việt Nam để chạy trên tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho ngày 20/7/1885. Sau đó là các tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Hải Phòng (xây dựng năm 1902); Tuyến Đà Lạt (xây dựng từ năm 1903, khai thác năm 1932); Tuyến Hà Nội – Lào Cai (xây dựng năm 1906). Năm 1931, xây dựng tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt; Năm 1933, xây dựng tuyến Sài Gòn – Lộc Ninh; Từ năm 1899 – 1936 xây dựng đường sắt Sài Gòn – Hà Nội; Năm 1954 – 1964 có thêm tuyến Hà Nội – Thái Nguyên (164km); Năm 1959 thông tuyến Sài Gòn – Đông Hà (khai thác được 57%); Tháng 12/1976, đầu máy 158 kéo tàu từ Hà Nội khai thác đường sắt Bắc – Nam…
Tại Việt Nam, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là đơn vị đầu tiên khôi phục đầu máy hơi nước 309 (Phúc Lợi) 231-309 ngày 1/5/1959; đến năm 1964 tiếp tục khôi phục đầu máy 141-121 mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Từ những năm 2000, đầu máy hơi nước chỉ còn chạy dồn ở các ga và chạy du lịch. Tới năm 2004 thì tất cả các đầu máy hơi nước không còn hoạt động.
Dự án có từ năm 2004, xong vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do không thống nhất được kinh phí nên mãi cuối năm 2009, đầu máy hơi nước Tự lực 141-190 (là loại đầu máy chạy bằng hơi nước, đốt than, được sản xuất vào năm 1966 ở Trung Quốc và đưa về hoạt động tại tuyến đường Hà Nội – Hải Phòng) mới được đưa vào công ty để phục hồi.
Hai đầu máy hơi nước 141-190 và 141-165 do Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đông Dương đặt hàng để phục vụ du lịch. Lúc đầu, một đơn vị ở miền Bắc nhận làm nhưng dự án bị dừng giữa chừng nên Công ty Đông Dương đã ký hợp đồng và đưa toàn bộ phụ tùng đầu máy 141- 190 vào Xe lửa Dĩ An.
“Quá trình phục hồi đầu máy gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, nhiều cán bộ, công nhân trong đơn vị lần đầu sửa chữa đầu máy ở cấp độ lớn hơn nên rất bỡ ngỡ. Phụ tùng tháo ra đưa vào Công ty CP Xe lửa Dĩ An không đánh số, nhiều cái bị thiếu, chi tiết quan trọng bên trong là cả hai bơm nước đều bị mất. Các vật tư, vật liệu đều khó tìm, vì phải đúng mác, đúng vật liệu như: Tôn hợp lửa, ống lửa lớn, ống lửa nhỏ, đinh chì, máy phát điện, phụ tùng bơm gió, van điều áp, van phân phối…”, kỹ sư Hiến nhớ lại.
“Thế nhưng, trải qua 4 năm kiên trì học tập, thu thập tài liệu bản vẽ thiết kế, cán bộ công nhân Công ty CP Xe lửa Dĩ An đã từng bước khôi phục dần từ xe than nước đến các bộ phận của đầu máy. Đến tháng 11/2014, chiếc đầu máy hơi nước 1941-1990 đã “sống lại”, nhả khói, tuýt còi chạy thử nội bộ trong sự vui mừng của cán bộ, công nhân viên công ty. Chiếc đầu máy thứ 2 số hiệu 141-165, năm 2015 cũng bắt đầu được khôi phục và đã hoàn thành vào đầu năm 2018”, ông Hiến kể tiếp.
Vỡ òa hạnh phúc với thành quả đạt được
Đơn vị đặt hàng và các kỹ sư hồi sinh đầu máy hơi nước trên chuyến tàu chạy thử nghiệm
Cũng theo lời kỹ sư Hiến, nhờ có sự nhiệt tình ủng hộ kèm với niềm đam mê đầu máy hơi nước của Giám đốc Phạm Hồng Phi, sau là Giám đốc Nguyễn Văn Khiên cùng tập thể lãnh đạo, các cán bộ, công nhân viên Công ty CP Xe lửa Dĩ An, công việc phục hồi được thực hiện rất quyết liệt và khẩn trương.
Các cộng sự đã phối kết hợp vừa học vừa làm từng bước hoàn thành các phần việc như: Nồi hơi, giá xe, cụm cơ giới pít-tông xy-lanh cầu trượt, đầu cốp biên, bơm gió; các van hơi van nước… và lắp ráp các tổng thành. Đến nay, đơn vị không chỉ hoàn thành khôi phục hai đầu máy hơi nước mang số hiệu 141-190 và 141-165 mà còn phục hồi gần như “bản gốc” 2 toa xe du lịch cho Công ty Đông Dương.
Các đầu máy đã hoàn thành đúng theo quy trình hạn độ sửa chữa đầu máy hơi nước. Đơn vị thi công và công ty đặt hàng cũng đã tổ chức chạy thử từ Dĩ An (Bình Dương) đi Long Khánh (Đồng Nai), quãng đường 63km với tốc độ cao nhất hơn 60km/h, leo dốc Dầu Giây 16% đạt yêu cầu kỹ thuật được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy phép.
“Ngày chạy thử thành công các đầu máy hơi nước, tôi và nhiều đồng nghiệp cảm thấy hạnh phúc, xúc động vô cùng khi chứng kiến thành quả đã đạt được sau nhiều nỗ lực. Nhiều cán bộ công nhân Công ty CP Xe lửa Dĩ An, cùng với các thiết bị mới, công nghệ mới đã phát huy óc sáng tạo, làm được công việc mà nhiều người, nhiều đơn vị cho rằng không thể làm được. Riêng tôi, đã thỏa niềm đam mê, say mê nghề nghiệp cũng như mong muốn để lại dấu ấn, di sản cho thế hệ mai sau về phương tiện vận tải một thời vang bóng”, kỹ sư Hiến xúc động chia sẻ.
Theo Mai Huyên (Báo Giao Thông)