TPO – Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Bình Dương đồng loạt than khóc và cho rằng Sở Giao thông vận tải (GTVT) gây khó dễ khiến họ thiệt hại rất lớn. Sở này cũng bị tố phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh và ra văn bản sai trình tự.
Theo đó, một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tại Bình Dương vừa gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng, trong đó có báo Tiền Phong để phản ánh về việc họ thiệt hại rất lớn chỉ vì cơ quan chức năng cụ thể là Sở GTVT Bình Dương xử lý công việc sai trình tự, “giam” hồ sơ của doanh nghiệp không nói rõ lý do.
Ông Nguyễn Viết Hùng – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty Du lịch Sông Thủ cho biết, vào đầu năm 2018 khi biết chủ trương của tỉnh Bình Dương thu hút đầu tư du lịch đường sông Sài Gòn bằng hình thức xã hội hóa, ông đã nộp hồ sơ xin cấp phép bến thủy để đầu tư du lịch đường sông.
Vị trí bến chợ Phú Cường nằm trong quy hoạch bến thủy được duyệt nhưng Sở GTVT không cấp phép cho Công ty Sông Thủ thực hiện
Vào ngày 17/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm ký công văn đề nghị Sở GTVT xem xét giải quyết việc cấp phép bến thủy du lịch tạo điều kiện cho Công ty du lịch Sông Thủ phục vụ hành khách du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, chợ Thủ Dầu Một, cơ sở tôn giáo…
Sau đó, dựa theo bình đồ vị trí và sơ đồ mặt bằng bến thủy (nơi xin cấp bến thủy bến chợ Phú Cường) Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam đã gửi công văn phản hồi về việc đồng ý cho lập bến thủy theo quy hoạch và đề nghị của Công ty du lịch Sông Thủ.
Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp phép bến thủy của Công ty du lịch Sông Thủ gửi Sở GTVT Bình Dương từ đầu năm đến nay vẫn chưa được giải quyết và cũng không có phản hồi nào. Ông Hùng cho rằng, động thái của Sở GTVT Bình Dương không chỉ phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh mà còn làm trái với Thông tư Số: 50/2014/TT-BGTVT ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giao Thông Vận Tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa có nêu rõ: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận xây dựng bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương và gửi cho chủ đầu tư. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Du thuyền của Công ty Sông Thủ không có bến bãi nên không thể hoạt động
Giải thích về vấn đề trên, ông Nguyễn Chí Hiếu – Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Dương nói rằng do sở đã gửi công văn xin ý kiến của UBND TP. Thủ Dầu Một nhưng chưa có phản hồi nên không thể trả lời cho doanh nghiệp. Cũng theo ông Hiếu, đến nay UBND TP. Thủ Dầu Một mới có trả lời về việc cấp phép bến thủy tại bến chợ Phú Cường. Theo đó, tại vị trí xin cấp phép bến chợ Phú Cường có nguy cơ gây sạt lở nên không thể cấp phép.
Du thuyền của Tiamo cũng không thể hoạt động vì thiếu bến bãi
Lý giải của lãnh đạo Sở GTVT được xem là để “chống chế”. Bởi vì, vào ngày 28/6/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Trần Thanh Liêm đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Sở GTVT đề nghị. Trong quyết định cũng nêu rõ bến chợ Phú Cường thực hiện bến tàu du lịch kết hợp bến khách ngang sông để phục vụ du khách tham quan di tích lịch sử văn hóa và chợ Thủ Dầu Một.
Quy hoạch được UBND tỉnh và Bộ GTVT phê duyệt vào ngày 28/6/2018. Thế nhưng, Sở GTVT lại lấy ý kiến của UBND TP. Thủ Dầu Một vào ngày 8/4/2019. Như vậy, có thể thấy, bản quy hoạch bến thủy trước đó được phê duyệt chưa thông qua UBND TP. Thủ Dầu Một. Hoặc đã thông qua thì bây giờ Sở GTVT cố tình gây khó cho doanh nghiệp.
Du thuyền của Công ty Thanh Lễ cũng không thể hoạt động vị không có bến bãi
Theo Giám đốc Công ty Sông Thủ, để đầu tư du lịch sông nước theo chủ trương phát triển du lịch của tỉnh, công ty đã mua sắm nhiều tàu thuyền, cano và được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, do Sở Giao thông vận tải Bình Dương không cấp phép bến bãi nên loạt du thuyền phải phủ bạt lên rêu. Công ty Sông Thủ ước tính thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài Công ty Sông Thủ còn có các doanh nghiệp đầu tư phát triển đường sông như: Tiamo, Thanh Lễ… do Sở Giao thông vận tải không cấp bến thủy nên loạt tàu thuyền mua từ nước ngoài về cũng trong tình trạng phủ bạt lên rêu.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Khoa Hải – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương cho biết, vào đầu năm 2019, phía sở đã gửi báo cáo đến Chủ tịch UBND tỉnh về chủ trương bến tàu du lịch Sông Thủ của Công ty Du lịch Sông Thủ. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động do chưa được Sở GTVT cấp phép bến thủy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Hiếu – Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Dương nói, phía sở đã đề nghị Công ty du lịch Sông Thủ chọn vị trí khác để cấp phép bến tàu nhưng doanh nghiệp không đồng ý. Lý giải lý do, ông Nguyễn Viết Hùng – Giám đốc Công ty du lịch Sông Thủ nói Bình Dương lập quy hoạch và được phê duyệt 11 bến bãi (trong đó có bến chợ Phú Cường). Nếu Công ty chọn vị trí khác thì đương nhiên phải chờ không biết bao nhiêu năm mới được duyệt bởi vì muốn thay đổi quy hoạch không dễ. Đáng nói, Sở GTVT không cấp phép bến thủy cho Công ty Sông Thủ (một doanh nghiệp trong tỉnh) mà vừa qua cho một doanh nghiệp ở TP.HCM là Công ty Thường Nhật đến khảo sát vị trí bến chợ Phú Cường để đầu tư bến tàu.
Theo Hương Chi