Trong trường hợp khẩn cấp, người dân Bình Dương có thể gọi phản ánh tất cả các lĩnh vực như cấp cứu y tế (115), cứu hỏa, cứu nạn (114), an ninh trật tự (113), thủ tục hành chính… chỉ qua duy nhất số điện thoại đường dây nóng 1022.
Hệ thống đường dây nóng 1022 sẽ tiếp cận đa dạng các vấn đề bức xúc của người dân. ẢNH: QUANG ĐỊNH
Ngày 24-11, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bình Dương đã đưa vào vận hành hệ thống đường dây nóng 1022. Đường dây nóng này có chức năng tiếp nhận để chuyển các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết hầu hết các lĩnh vực nóng liên quan tới đời sống của người dân như: giải đáp thủ tục hành chính, nhận phản ánh về các hành vi chậm trễ, gây phiền hà của cán bộ…
Đặc biệt, đối với các sự cố nóng, thay vì người dân phải nhớ nhiều số điện thoại như y tế (115), cứu hỏa, cứu nạn (114), an ninh trật tự (115)… thì nay có thể chỉ cần nhớ và gọi số điện thoại duy nhất là 1022 để được tiếp nhận thông tin.
Ông Lai Xuân Thành – giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bình Dương – cho biết trong tương lai, đường dây nóng 1022 sẽ được tiếp tục phát triển, nâng cấp lên thành Trung tâm điều hành thành phố thông minh Bình Dương. Mục tiêu của hệ thống này là nhằm tạo sự thuận tiện, phản ứng nhanh với các bức xúc, sự cố của người dân, với một đường dây nóng duy nhất, thay vì có quá nhiều số điện thoại nóng như hiện nay.
Hệ thống đường dây nóng 1022 ngoài điện thoại còn tiếp nhận thông tin qua các ứng dụng xã hội như zalo. ẢNH: QUANG ĐỊNH
Cùng ngày, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương đã đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương.
Trung tâm được xây dựng tại trụ sở cũ của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương (đã chuyển đi). Trên khuôn viên khoảng 2.000m2, trung tâm sẽ các thành phần như: không gian làm việc chung dành cho các nhóm khởi nghiệp; trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; không gian đào tạo giáo dục STEM; các phòng họp trực tuyến; hội trường…
Các cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp có thể tới đây sử dụng không gian làm việc, gặp gỡ và trao đổi với những người cùng chí hướng, tìm kiếm sự hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng hoặc về vốn. Ngoài ra, trung tâm còn có các chương trình để hỗ trợ cho các hộ gia đình, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có nhu cầu có thể chuyển đổi mô hình sang công ty.
Việc đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp là một trong các giải pháp để thúc đẩy mối quan hệ của “ba nhà” là: nhà nước – nhà trường – nhà khoa học, góp phần phát triển thành phố thông minh Bình Dương.
Không gian khởi nghiệp tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chuyên gia nước ngoài trò chuyện với các bạn trẻ tại Trung tâm Sáng Kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các bạn trẻ thử nghiệm các mô hình tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo BÁ SƠN (Tuoitre)