Nhà xưởng, đầu máy xe lửa hơi nước… gần như nguyên vẹn trong Nhà máy xe lửa Dĩ An, một trong những “cái nôi” của ngành đường sắt Việt Nam.
Được người Pháp thành lập năm 1902 với vai trò sửa chữa, hậu cần cho việc xây dựng tuyến đường sắt Đông Đương, nhà máy xe lửa Dĩ An có tên gọi ban đầu là Grand Atelier des Chemins de Fer de Dĩ An (Cơ xưởng hỏa xa Dĩ An).
Sau năm 1975, nhà máy thuộc quyền quản lý của nhà nước, được cổ phần hóa và có những đóng góp quan trọng trong việc sản xuất, bảo trì và sửa chữa toa xe, cùng các trang thiết bị, dịch vụ cho các công ty vận tải trong nước.
Nổi bật trong khuôn viên của nhà máy là dãy nhà xưởng được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp cổ kính, với diện tích 20.000 m2. Đây là một trong những hạng mục kiến trúc quan trọng đưa nhà máy trở thành Di tích lịch sử – văn hóa của tỉnh Bình Dương vào năm 2013.
Toàn bộ nhà máy hiện có khoảng 250 cán bộ, công nhân viên với đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm trong việc đóng mới và sửa chữa toa xe cùng các loại máy móc ngành cơ khí.
“Tôi làm nghề đã 23 năm. Công việc chính là đứng máy và tiện các sản phẩm. Việc không khó lắm vì làm nhiều quen tay”, bà Khúc Thị Hạnh (45 tuổi), nữ công nhân duy nhất trong tổ cơ khí của nhà máy, chia sẻ.
Công nhân quét dầu cho từng bánh xe để chống gỉ sét. “Tổ cơ khí của nhà máy có 24 công nhân, chủ yếu là sản xuất, sửa chữa các loại máy móc, đồ phụ tùng để cung cấp cho bộ phận lắp ráp tàu”, ông Ngô Minh Hà, tổ cơ khí nhà máy theo nghề 30 năm, giải thích.
Các loại máy móc được sắp xếp gọn gàng bên dưới mảng tường cổ kính. Trong nhà xưởng, mùi dầu mỡ và mùi sơn là thứ hai mùi đặc trưng.
Bốn công nhân cùng lắp ráp và kiểm tra hệ thống bánh của các toa xe.
Nam công nhân hàn đế toa tàu. Theo quy định của nhà máy, để đảm bảo an toàn lao động, các công nhân phải đội mũ, đeo kính và găng tay bảo hộ.
Bên trong xưởng xe lửa gần 120 tuổi ở Bình Dương
Trước đây, vật liệu đóng toa tàu chủ yếu là gỗ, ván ép, hiện nay đã được thay thế bằng composite vừa nhẹ và bền, giúp giảm tải trọng, thân thiện với môi trường.
Nội thất trong khoang tàu được thiết kế khoa học, hiện đại bằng vật liệu bền nhẹ như hệ thống giường tầng, hệ thống vệ sinh tự hoại, bảng điện tử hiển thị tốc độ toàn tàu, lộ trình ga đến và đi.
Những toa tàu khách được sơn mới, chờ công nhân lắp ráp hệ thống điện và nội thất hoàn chỉnh để xuất xưởng.
Đầu máy xe lửa hơi nước, cũng là biểu tượng của Cơ xưởng hỏa xa Dĩ An được trưng bày trước khuôn viên nhà máy.
Ông Nguyễn Nhất Thắng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần xe lửa Dĩ An cho biết, trung bình mỗi năm, công ty đóng mới khoảng 30 toa xe khách và 50 toa xe hàng, bên cạnh đó sửa chữa nâng cấp, cải tạo khoảng 17 đến 20 toa xe khách, sửa chữa định kỳ khoảng 30 toa xe hàng. “Chủ trương của công ty là vừa thiết kế vừa chế tạo sản phẩm theo tiêu chí giảm tải trọng toa tàu, góp phần giảm chi phí nhiên liệu cho sức kéo và giảm khí thải ô nhiễm môi trường”, ông nói.
Thành Nguyễn
Vnexpress.net