Thăm ngôi đình “phim trường hollywood” gần 200 năm tuổi ở Thủ Dầu Một

Toạ lạc trên một gò đất cao, Đình Tân An được xây dựng từ năm 1820 khi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp.

Mỹ nhân và ngôi đình cổ.

Tôi tìm đến Tân An vào một buổi trưa. Tiếng là gần TP Thủ Dầu Một nhưng phải mất nhiều lần hỏi thăm, tôi mới tìm được đến nơi.

Con đường nhỏ chạy vòng quanh khuôn viên đình

Đoạn đường rợp bóng cây phía cổng cũ

Làng Tân An vẫn còn nét thanh bình và nguyên sơ của một vùng quê Nam Bộ. Đình khá cổ kính và còn giữ được nét kiến trúc Nam bộ xưa, thờ Thành Hoàng làng, gồm 3 ngôi nhà cổ lối Nam bộ, khuôn viên còn giữ được rừng cây khá rậm rạp với nhiều loại cây có giá trị tuổi thọ trên trăm tuổi. Đình còn có một cây da cổ thụ mọc trùm lên cổng chính, cây bồ đề trùm lên cổng phụ, thường được quay trong nhiều cảnh phim.

Cận cảnh bộ rễ cây đa trên trăm tuổi trùm lên cổng đỉnh

Anh Nguyễn Tri Phủ là “hậu duệ” đời thứ 9, thành viên ban nghi lễ Đình nói: Mỗi tháng có 2 đến 3 đoàn làm phim đến đây quay phim, ban nghi lễ luôn tạo mọi điều kiện để các nhà làm phim hoàn thành nhiệm vụ, nhưng phải tuân theo nội quy nghiêm ngặt, không làm mất mỹ quan, không tác động đến hiện vật. “Nếu anh muốn biết rõ hơn thì đi tìm cô Phượng trong chợ. Cổ thường kêu người đi đóng phim nhiều lắm”

Chợ Bến Thế cách Đình Tân An chỉ vài bước chân

Đến đầu đường, tôi hỏi thăm về những người chuyên đóng vai quần chúng. Bà chủ tiệm tạp hóa ven đường tưởng tôi đi tìm người đóng phim liền chỉ tôi đi tìm bà Hai Kiệp bán chè đậu đá trong chợ Bến Thế. Cẩn thận, bà còn ghi tên ra giấy và dặn thêm: “Nếu tìm bả không được thì tìm cô Phượng bán thịt heo ở trong chợ đó, hai người đó chuyên dẫn mối tìm người đóng phim”.

Tôi vào chợ tìm bà Kiệp, không gặp. Người ta chỉ lối tôi tìm nhà bà, ngôi nhà ngói nhỏ ở ngã ba đối diện đình Tân An. Bà vắng nhà. Con gái bà ra tiếp chuyện. Cô khá xinh với vẻ đặc trưng của phụ nữ Nam bộ, da trắng, người thon thả. Cô bảo má đang đi công việc trên Sài Gòn. Hỏi chuyện, tôi được biết cô cũng từng tham gia một số phim. Chủ yếu là đóng minh họa cho phim ca nhạc của các đài truyền hình. Tôi ngõ ý xin chụp cô một tấm hình minh họa, nhưng cô từ chối.

Một lúc sau, có ông Nguyễn Văn Như số nhà 6/7 KP 1 phường Tân An tới chơi. Ông kể: “Hai năm trước, tui đóng phim nhiều lắm. Có khi đi đóng phim cả tháng, một ngày họ trả 150 ngàn đồng. Khu này nhiều người đi đóng phim, ai rảnh thì đi vì vừa vui, vừa có tiền mà hổng cực mấy” Ông Như khoe ông từng đóng vai quần chúng với diễn viên Lê Quang (vai Võ Tòng trong phim “Đất phương Nam”), đóng trong phim “Người Bình Xuyên” quay tại cầu Cháy (phường Định Hòa, TPTDM, Bình Dương).

“Lịch sử” hơn 40 năm “làng nghề”

Vào chợ, trời đã quá trưa, chợ sắp tan. May là chị Phượng vẫn còn trong chợ. Chị Phượng kể lại cơ duyên chị đến với nghề, coi như “lịch sử” ra đời của “làng điện ảnh” Tân An. Năm 1978 nghệ sĩ Lý Huỳnh đưa đoàn đến đây quay phim “Người giải phóng”. Ông ấy đi mua thịt heo của chị rồi hỏi chị là đang tìm khoảng 20 diễn viên quần chúng mà chưa có. “ổng hỏi tui coi có ai thích đóng phim thì kêu dùm ổng, tui nhận lời, chặp sau thì tui kêu được người cho ổng”.

Từ đó về sau hễ có đoàn làm phim nào tới đây là họ tìm tới chị. Ngoài làm bà bầu, chị Phượng cũng tham gia đóng phim. Phim chị có vai diễn, có lời thoại hẳn hoi như vai vợ thằng mõ trong phim “Lục Vân Tiên”. Những phim như “Cào cào” “Người Bình Xuyên” chị đều tham gia đóng và tuyển diễn viên. Hỏi chị đóng phim có mệt không? Chị cười đáp: “Lúc mới vào nghề chưa quen thấy cũng mệt chút xíu. Làm riết rồi quen nghề, hổng mệt nữa. Làm diễn viên quần chúng đạo diễn chỉ sao làm vậy. Đâu có gì khó”.

Đến nay sau mấy chục năm làm “bà bầu” điện ảnh, chị Phượng đã có nhiều kinh nghiệm “tuyển” diễn viên. Chị tâm sự: “Có những người khi mình mới mời đi đóng phim họ ngại lắm. Vì hồi nào tới giờ họ đâu hiểu đóng phim là gì đâu.” Họ cứ hỏi đóng phim có bị gì không? Mình phải giải thích, rồi nói mình cũng tham gia, họ mới theo. Có những người lần đầu đóng phim thấy phải diễn tới trưa, nắng nôi mà chưa được nghỉ ngơi nên la quá trời.

Theo lời chị Phượng thì bà Hai Kiệp chuyên hợp tác với các hãng truyền hình và mời những người già. Còn chị Phượng thì “làm ăn” với các hãng tư nhân, làm “bầu” cho giới thanh niên.

Tân An có tiềm năng làm phim trường

Chị Phượng cho biết, các đoàn làm phim hải ngoại cũng đã đến đây làm phim. Các nghệ sĩ hải ngoại như: Phi Nhung, Hoài Linh, Mạnh Quỳnh… đều đã từng đóng phim tại đây.

Ngoài đình Tân An thì những ngôi nhà cổ ở quanh đây cũng thường được chọn làm bối cảnh phim như căn nhà cổ của ông Mười Phụng, Hai Hoàng…. Khu ngã 3 suối giữa, chỗ giáp nhau của 2 phường Tương Bình Hiệp và Định Hòa (TPTDM) có ruộng, kênh rạch, rừng tre… và khu vùng đồi ở Cầu Cháy (phường Định Hòa) đã từng được chọn để quay trong hai phim: “Người Bình Xuyên” và “Lục Vân Tiên”.

Các đài truyền hình cũng thường đến đây quay ngoại cảnh. Bộ phim “Viên ngọc đá quý” của HTV7 do Phú Hải làm đạo diễn có quay ở đây, chị Phượng đã tuyển 300 diễn viên quần chúng cho bộ phim này.

Khung cảnh đậm chất thôn dã Nam Bộ, những ngôi nhà cổ, di tích văn hóa-lịch sử kiến trúc Nam bộ, và những con người chân chất nhiệt tình với nghệ thuật là tiềm năng giúp Tân An dễ trở thành phim trường ngoại cảnh lớn. Khi Tân An là phim trường, người dân có thêm thu nhập, nét xưa của đất Thủ Dầu Một, Bình Dương được quảng bá ra cả nước và thế giới.

Cùng ngắm một số hình ảnh đình cổ Tân An:

Đình cổ Tân An còn gọi là đình Bến Thế nằm bên sông Sài Gòn với tuổi đời gần 200 năm

Mái đình cổ ẩn nấp giữa rừng cây

Vẻ hoang sơ, vắng lặng của ngôi đình

Khuôn viên rợp bóng cây

“Lưỡng long tranh châu” trên mái đình

Gian chánh điện

Hệ thống kèo theo kiểu xuyên trinh

Rất nhiều cây cột và liễn đối trong đình

Bức hoành phi trong chánh điện

Các phù điêu trang trí trên tường

Chi tiết cá hoá rồng trên mái đình

Bia di tích quốc gia và di tích văn hoá cấp tỉnh trong đình

Bài viết: Anh Như/Lao Động Bình Dương
Hình ảnh: Yeubinhduong chụp và sưu tầm

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here