Bình Dương là một trong những tỉnh bùng phát dịch sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính đến tháng 7/2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.000 ca mắc sốt xuất huyết với 919 ổ dịch, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị xã Thuận An và Dĩ An có có số ca mắc cao nhất, chiếm hơn 40% số ca của toàn tỉnh.

Mới bắt đầu vào mùa mưa, chưa đến thời điểm đỉnh dịch nhưng sốt xuất huyết đã bùng phát trên diện rộng, số ca mắc tăng nhanh tại các tỉnh phía Nam.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 7/2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.800 ca mắc sốt xuất huyết (cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái), phát hiện hơn 1.100 ổ bệnh sốt xuất huyết (tăng 200%), trong đó số ổ bệnh đã được xử lý đạt hơn 98%. Chỉ tính riêng tuần từ ngày 5 – 11/7, toàn tỉnh ghi nhận 584 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 11% so với tuần trước đó (526 ca) và tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, tỉnh có dân số đông, địa bàn rộng, tập trung nhiều công nhân lao động sinh sống ở các khu nhà trọ. Đặc biệt, công nhân sau khi đi làm về chỉ tập trung ăn uống, nghỉ ngơi, ít có thời gian sinh hoạt giải trí, tiếp cận thông tin đại chúng. Do đó, việc phổ biến các phương pháp chủ động phòng chống sốt xuất huyết đến người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Tại tỉnh Ninh Thuận, bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh và xảy ra tại nhiều nơi của 6/7 huyện, thành phố trong tỉnh. Chỉ trong 4 tuần gần đây, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng rất nhanh, trung bình mỗi tuần có đến 28 trường hợp mắc bệnh.

Ông Nguyễn Nhị Linh – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận) cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 860 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 752 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù bệnh sốt xuất huyết vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng với số ca mắc bệnh tăng nhanh, cần thực hiện giải pháp phòng, chống thật hiệu quả mới kiểm soát được tình hình và hạn chế được bệnh phát sinh thành dịch.

Nguyên nhân bùng phát bệnh sốt xuất huyết là do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều địa phương và ngay cả người dân trên địa bàn thành phố chưa thực sự chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, tuy hệ thống nước sinh hoạt đã cơ bản phủ khắp các địa phương, không còn tình trạng người dân tích trữ nước trong các thùng phuy, các lu để sinh hoạt nhưng do sự chủ quan trong sinh hoạt gia đình, để các vũng nước tồn đọng lâu ngày trong vật dụng sinh hoạt, những nơi vệ sinh, các chậu hoa, chậu cây cảnh ẩm thấp, đọng nước cũng tạo điều kiện cho lăng quăng nảy nở, làm phát sinh muỗi gây bệnh.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính đến tháng 7/2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.000 ca mắc sốt xuất huyết với 919 ổ dịch, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị xã Thuận An và Dĩ An có có số ca mắc cao nhất, chiếm hơn 40% số ca của toàn tỉnh.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ghi nhận đến tháng 7/2019, số ca sốt xuất huyết là 2.852 ca, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 5,9 lần và có 1 ca tử vong. Trong đó, thành phố Vũng Tàu có số mắc cao nhất 927 ca (chiếm 32,5% so với toàn tỉnh), tiếp đến là huyện Châu Đức 771 ca (chiếm 27%), huyện Xuyên Mộc 499 ca (chiếm 17,4%), thị xã Phú Mỹ 230 ca (chiếm 8%), huyện Côn Đảo 144 ca (chiếm 5%), huyện Long Điền 142 ca (chiếm 4,9%), thành phố Bà Rịa 126 ca (chiếm 4,4%), huyện Đất Đỏ 61 ca (chiếm 2,1%).

Số ca mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng nhanh và diễn biến rất phức tạp trong những tháng mùa mưa. Theo nhận định của ngành y tế, trong các tháng tới dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng. Các xã, phường có nguy cơ bùng dịch cao trong 6 tháng cuối năm 2019 là: phường 7, 10, 11, Thắng Nhất (thành phố Vũng Tàu); phường Long Phước, Hòa Long, Kim Dinh (thành phố Bà Rịa); xã Quảng Thành, Bình Trung, Xà Bang, Kim Long, Bình Giã, Suối nghệ, Nghĩa Thành, thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức); phường Phú Mỹ, Mỹ Xuân (thị xã Phú Mỹ); xã Hòa Hiệp, Hòa Bình, Phước Tân, thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc); xã Phước Hưng, Phước Tỉnh, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền); thị trấn Đất Đỏ, Phước Hải (huyện Đất Đỏ); khu dân cư 3, 5, 6, 7, 8, 9 (huyện Côn Đảo).

Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang ghi nhận 1.961 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018, không ghi nhận trường hợp tử vong nào.

Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là huyện Chợ Mới xuất hiện 641 ca, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018; huyện Tịnh Biên 279 ca, tăng 123%; huyện Tri Tôn 100 ca, tăng 33% so với cùng kỳ…

Hàng loạt địa phương khác cũng đang gồng mình đối phó dịch sốt xuất huyết, như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long… Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 96.000 ca mắc sốt xuất huyết (trong đó 11 ca tử vong), tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân được Bộ Y tế lý giải là do nền nhiệt độ năm 2019 tăng cao hơn so với các năm trước, lượng mưa trung bình cũng tăng hơn. Trong khi đó, “đuôi” của mùa dịch năm 2018 kéo dài đến tận tháng 5/2019 và sự thay đổi của virus gây bệnh khiến cho số ca bệnh cộng dồn của năm 2019 tăng cao.

An Nhiên/Infonet

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here