Điểm mặt 5 cây cầu gắn với lịch sử Bình Dương

Điểm mặt một vài cây cầu nổi tiếng xưa nay ở Bình Dương với nhiều cái tên bao “độc lạ”:

1. Cầu Sắt – Cây cầu hơn 100 tuổi già nhất Bình Dương

Cầu Sắt là tên gọi thân thương của cầu Phú Long cũ. Cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối từ Quận 12, Tp. HCM qua trung tâm thị xã Thuận An.

Cầu Sắt được người Pháp xây dựng từ năm 1913 với chiều dài 250m và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 1914. Cầu ban đầu được thiết kế hoàn toàn bằng sắt và sử dụng cho tuyến xe lửa Sài Gòn – Lộc Ninh nên được gọi là cầu sắt xe lửa. Trong chiến tranh, cầu từng bị hư hỏng và được tu sửa nhiều lần. Một phần mặt cầu sau đó được đổ bê tông, các phần còn lại vẫn giữ kết cấu bằng sắt.

Hình chụp cầu năm 1972 

Từ năm 2012, khi cầu Phú Long mới thông xe, cầu Sắt cũ chỉ dành cho người đi bộ và xe hai bánh. Tuy nhiên đến nay, vì lý do không bảo đảm an toàn, cầu đã bị ngưng lưu thông và đang trong quá trình tháo dỡ, dự kiến một phần cây cầu sẽ được lưu giữ tại bảo tàng. Cầu Sắt bị dỡ đi trong sự tiếc nuối của người dân Bình Dương và Sài Gòn hai bên đầu cầu, vốn hàng ngày gắn bó và mưu sinh qua lại.

Cầu sắt trăm tuổi ngày nay

2. Cầu Gãy Sông Bé – Chứng nhân lịch sử 30/04/1975

Cầu gãy có tên gọi nguyên thuỷ là cầu Sông Bé nối liền hai xã Vĩnh Hoà và Phước Hoà, huyện Phú Giáo.

Cây cầu trước khi bị gãy (hình chụp năm 1965)

Cầu Gãy được người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1925 – 1926 nhằm thuận tiện cho việc xây dựng, mở rộng và khai thác các đồn điền cao su tại các khu vực lân cận. Cầu có chiều dài khoảng 130m, rộng 4,5m. Cầu bị đánh sập bằng mìn trong một trận giao tranh chiều ngày 29-04-1975.

Cầu gãy Sông bé ngày nay

Sau năm 1975, để thay thế cho cây cầu đã bị gãy, cầu mới được xây dựng song song với cầu cũ, lấy tên mới là Cầu Phước Hoà. Đến năm 2006, cầu Phú Hoà tiếp tục được nâng cấp thành cầu đôi như ngày nay. Cây cầu gãy vẫn được giữ lại trở thành di tích lịch sử. Ngày nay khi đi trên trục đường ĐT741 đoạn ngang qua huyện Phú Giáo, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một cây cầu Gãy song song với cầu Phước Hoà mới, nằm im lìm, sừng sững trên dòng nước. Cầu Gãy là địa điểm “sống ảo” yêu thích của nhiều bạn trẻ và lọt vào nhiều cảnh quay của các đạo diễn phim.

3. Cầu Ông Bố – Thăng trầm từ sau Mậu Thân 68

Không rõ cầu Ông Bố được xây dựng đầu tiên vào năm nào, chỉ biết vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, trong trí nhớ của người dân quanh đó thì cây cầu đã hiện diện, được xây dựng chắc chắn bằng bê tông cốt thép, có hai khung vòm chạy dọc hai bên, phía ngoài được thiết kế lối đi riêng có lan can vịn cho người đi bộ.

Cầu Ông Bố xưa

Trong sự kiện Mậu Thân 68, do nằm trong vùng chiến địa tranh chấp, cầu Ông Bố bị hư hỏng nặng và được thay bằng cầu sắt. Đến sau 1975, cầu Ông Bố lại bị hư hỏng và được thay bằng cầu gỗ ghép. Cho đến tận 25 năm sau, tức là sau năm 2000, cầu Ông Bố mới được xây dựng kiên cố bằng bê tông như ngày nay.

Cầu ông Bố ngày nay

Những ai từng sống tại khu vực cầu Ông Bố khi xưa chắc chắn sẽ nhớ, mỗi khi mùa mưa, nước suối dâng cao chảy tràn qua mặt cầu, trong vắt và mát rượi. Khách đi đường đi ngang qua cầu đều rất thích thú, dừng chân ghé lại ít phút rửa chân tay, đùa nghịch, rồi mới đi tiếp.

4. Cầu Phú Cường

Dù không mang cái tên thứ 2 “độc lạ” như những cây cầu khác, nhưng nhắc đến Bình Dương chắc chắn không thể không nhắc tới Cầu Phú Cường.

Cầu Phú Cường xưa

Cầu Phú Cường bắc qua sông Sài Gòn đoạn nối Xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi và Tp. Thủ Dầu Một (nối vào đường Huỳnh Văn Cù). Trong thời chiến tranh, cầu nhiều lần bị phá sập và xây dựng lại.

Cầu Phú Cường ngày nay

Lần sửa chữa mở rộng mới nhất được thực hiện hoàn thành vào năm 2007. Cầu Phú Cường có chiều dài 446m, rộng 14m. Cầu có trạm thu phí nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương.

5. Cầu Bến Củi

Cầu Bến Củi – Hình chụp năm 1970

Dân địa phương gọi là cầu Dầu hay cầu Dầu Tiếng bắc qua sông Sài Gòn về phía thượng lưu, nối xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh với thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương.

Cầu Bến Củi ngày nay

Cầu được xây dựng từ trước năm 1975 và là chứng nhân lịch sử của nhiều biến cố trên vùng đất Dầu Tiếng.

Vy Khanh (Yeubinhduong.com)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here