Ngôi nhà 300 thợ xây trong 3 năm độc nhất ở Bình Dương

Căn nhà của ông Trần Văn Hổ được xem là có một không hai ở Bình Dương khi huy động hơn 300 thợ ở Cố đô Huế vào xây dựng trong hơn 3 năm liền. Đặc biệt, căn nhà không cho phụ nữ bước vào dù đó là bậc con, cháu.

Ngôi nhà “độc nhất vô nhị” này tọa lạc tại số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương. Chủ nhân cuối cùng của căn nhà này là ông Trần Văn Hổ (tự Đẩu) – nguyên là Đốc Phủ sứ thời thuộc Pháp. Ngôi nhà được xây dựng năm Canh Dần (1890).

Gian chính diện của căn nhà được thiết kế rất tinh xảo

Theo lời kể lại của ông Mai Văn Tới (80 tuổi) người quản lý ngôi nhà, trước đây nhà có diện tích rất rộng, bao gồm nhiều hạng mục. Thế nhưng, trải qua hai cuộc chiến tranh, một số công trình xung quanh đã bị phá bỏ.

Dù vậy, đến nay ngôi nhà chính vẫn được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Mặt chính ngôi nhà quay về hướng Tây Nam, hướng sông Sài Gòn để hưởng được làn gió mát trong lành quanh năm.

Gian phòng khách của căn nhà

Trước ngôi nhà có hòn non bộ. Theo lý giải của gia chủ, do ngôi nhà hướng Tây và nhìn ra sông nên phải dựng hòn non bộ để hợp phong thủy. Khi mặt trời đổ về hướng Tây, chiếu xuống sẽ tạo ra một luồng ánh sáng không tốt vào nhà. Do đó, hòn non bộ sẽ có nhiệm vụ chắn ánh nắng vào nhà.

Hoa văn trang trí rất tinh xảo

Theo ông Tới, nguyên vật liệu để dựng ngôi nhà đều là những loại gỗ quý như Cẩm lai, Giáng hương, Gõ, Sến, Mật… thể hiện sự sung túc của gia chủ.

Từ những song gỗ, đường nét ô vuông đến các mảng phù điêu đều được bố trí đối xứng đến từng chi tiết, tạo nên bề thế trang nghiêm, thể hiện phong cách vương quyền.

Ngói của căn nhà được xếp thành 2 lớp

Ngôi nhà xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái gồm 36 cột tròn. Mái ngói âm dương dài thoai thoải và thấp mang đậm nét nhà truyền thống người Việt. Trên nóc nhà có hồi văn, hình bát quái. Loại nhà này có nhiều ưu điểm so với các nhà cổ truyền khác vì có bộ khung sườn cứng cáp, lòng nhà rộng rãi.

Hòn non bộ phong thủy trước nhà

Mảng giữa tường và khánh thờ là các bức hoành phi được sơn son thiếp vàng, các bức liễn bằng những câu đối cẩn xà cừ đính trên cột. Gian giữa phía trên là khám thờ với tấm thủ quyển chạm nổi hình Tứ linh, giữa bức thủ quyển là ba hàng chữ đề danh hiệu các vị thần được thờ tự.

Căn nhà được xây dựng rất chắc chắn

Đặc biệt, ở lớp cửa thứ hai, tất cả đều chạm nổi, khắc chìm, khắc lộng thể hiện toàn bộ trên các khung cửa, cách cửa: khung cửa chính dựng theo lối Tam quan, ở đây là một bức tranh khá hoành tráng với cảnh có hình bán nguyệt được trổ lộng, thể hiện cảnh lầu son gác tía ở cung đình.

Sau thời gian bị giặc tàn phá, căn nhà được giữ nguyên, nhiều hạng mục khác bị phá bỏ

Ở hai bên gian thờ giữa là hai buồng ngủ của chủ nhà (buồng ông và buồng bà) bài trí 2 bộ ván nằm ngủ bằng gỗ nguyên khối. Trên hai cửa buồng có hai bức hoành đề: Ngự dược, Diên phi (cá nhảy, diều bay: Có ý mong thi đậu hoặc thăng quan lên chức). Nơi đây còn có các bao lam đều trang trí đẹp, công phu.

Tường rào bao quanh căn nhà

Ngôi nhà này được đánh giá là sự hội tụ nhiều yếu tố văn hóa khác nhau, phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu thổ nhưỡng. Đồng thời, nghệ thuật chạm trổ của ngôi nhà đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ ở thế kỷ XIX. Ông Mai Văn Tới cho biết, để xây dựng ngôi nhà, gia chủ đã thuê hơn 300 thợ từ Cố đô Huế vào Bình Dương để xây và kéo dài trong 3 năm liền.

Ông Mai Văn Tới, người quản lý căn nhà chia sẻ với PV báo Tiền Phong

Sở dĩ ngôi nhà nằm kế và hướng ra sông Sài Gòn vì trước đây chủ nhà là ông chủ của xưởng đóng tàu lớn nhất Bình Dương lúc bấy giờ. Đặc biệt, ngôi nhà không cho phép phụ nữ bước vào dù đó là con hay cháu của gia chủ.

Theo Báo Tiền Phong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here