Thuận An: Đột kích cơ sở giết mổ bị “tố” xả thải gây ô nhiễm môi trường

Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của hộ ông Bồ Văn Khuya tại phường Bình Chuẩn, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương mỗi ngày giết mổ hơn nghìn con nhưng lại để nước thải chảy tràn trực tiếp ra môi trường.

Video: Cận cảnh lò giết mổ mà người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường.

Người dân bức xúc

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nhiều hộ dân ở xung quanh khu vực này cho biết, nước xả thải của cơ sở giết mổ Bồ Văn Khuya, (có địa chỉ kinh doanh tại 53/21 khu phố Bình Phú, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương), không qua xử lý nhưng lại thải trực tiếp ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh.

“Chúng tôi rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm này, nhưng không biết làm thế nào và không hiểu là cơ sở này dù không đạt các tiêu chuẩn để giết mổ, như cơ sở vật chất tạm bợ, nhếch nhác, bốc mùi hôi thối… nhưng vẫn được cấp phép đầy đủ. Điều đó khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên?”, ông T., một người dân sống gần cơ sở này cho biết.

Ông N.H.V., một người dân sống gần cơ sở giết mổ này nói thêm: “Mỗi ngày, cơ sở này giết mổ không biết bao nhiêu gia súc, gia cầm. Nước thải từ lò mổ chảy thẳng ra con suối, lẫn cả ruột, phân, máu của gia súc, gia cầm… hòa vào dòng nước, rất bẩn và mất vệ sinh, gây mùi khó chịu. Không những thế, cơ sở này hoạt động còn có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quanh khu vực”.

Thực tế ghi nhận của PV cho thấy: Các hộ vào giết mổ tại đây không hề có hợp đồng với cơ sở giết mổ Bồ Văn Khuya. Ngày 23/8, làm việc với PV, đại diện cơ sở này cũng thừa nhận: Do các hộ khó khăn quá nên… không ký hợp đồng”. Cho đến ngày 26/8, sau khi PV đến làm việc thì chủ cơ sở cho biết, mới tiến hành ký hợp đồng với các hộ này.

Thêm vào đó, khi giết mổ gia cầm, chủ yếu là vịt, những hộ vào trong cơ sở này thực hiện theo 2 dạng: Một là chỉ đánh lông, hai là đánh lông và mổ ruột. Khi đưa ra thị trường tiêu thụ, sản phẩm hoàn toàn không có dấu của cơ quan thú y.

Ngoài gia cầm (chủ yếu là vịt) thì tại cơ sở giết mổ này còn giết mổ cả dê. Tại đây có khoảng 20 lò và được chủ cơ sở cho các hộ giết mổ thuê, với giá trên 6 triệu đồng/tháng để làm nơi giết mổ gia súc, gia cầm.

Trao đổi với PV, ông Tôn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết: “Cơ sở giết, mổ gia súc, gia cầm Bồ Văn Khuya hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được đăng ký lần đầu ngày 23/8/2016, đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 13/3/2019”.

Cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở Đủ điều kiện An toàn vệ sinh thực phẩm (đối với gia cầm) do phòng Kinh tế TX.Thuận An cấp ngày 27/7/2018. Giấy xác nhận Đăng ký Đề án bảo vệ môi trường đơn giản “Cơ sở giết mổ gia cầm Bồ Văn Khuya, công suất 1.500 con/ ngày” do UBND thị xã Thuận An cấp ngày 23/5/2017.

Vào thời điểm mà PV báo Người Đưa Tin “đột kích”, đang có 2 đến 3 hộ thực hiện việc giết mổ gia súc, gia cầm. Theo nguồn tin của PV , cơ sở này mỗi ngày giết mổ hơn cả nghìn con.

Đặc biệt khi giết mổ, nước thải được đưa ra bể chứa ở phía cuối của cơ sở giết mổ nhưng do bể chứa đầy, không thể vào khu vực xử lý nước thải, nên đã xả trực tiếp ra bên ngoài.

Các loại phế phẩm từ gia súc, gia cầm như: lông, ruột, phân… trôi theo dòng nước, đổ ra con suối sát bên.

Từng 2 lần bị xử phạt

Ông Vinh cho biết: “Năm 2017, UBND phường Bình Chuẩn đã phối hợp kiểm tra và lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật và ban hành Tờ trình (số 66/TTr-UBND ngày 25/12/2017) trình UBND TX.Thuận An xử phạt vi phạm hành chính. UBND TX.Thuận An ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đối với ông Bồ Văn Khuya với tổng số tiền 13,5 triệu đồng”.

“Năm 2018, cơ sở giết, mổ gia súc, gia cầm Bồ Văn Khuya bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y như: Không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Không có giấy chứng nhận vệ sinh thú y; Không lập sổ sách, ghi chép, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật không đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện; Trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không đảm bảo yêu cầu vệ sinh trong thú y trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật với tổng số tiền là gần 17 triệu đồng”, ông Vinh cho biết thêm.

Cơ sở này đã được thử nghiệm về nước thải và nằm trong ngưỡng cho phép?

Để rõ hơn các vấn đề liên quan, PV cũng có buổi làm việc với ông Khiếu Quang Lần, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Ông Lần thông tin: “Trước đây, có tới 8 hộ giết mổ gia cầm “chui”, hoạt động tại khu vực giáp ranh giữa 2 phường Bình Chuẩn và Thuận Giao. Sau đó, cơ quan chức năng liên tục xử phạt và vận động họ vào cơ sở giết mổ của ông Bồ Văn Khuya. Tuy nhiên, do mới đi vào hoạt động nên mọi thứ vẫn chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y, xử lý nước thải”.

Ông Lần cung cấp thêm: “Cơ sở này từng bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần (2017 và 2018) về các lỗi nêu trên. Tuy nhiên, trong năm 2019 chưa tiến hành thanh kiểm tra lần nào. Thực tế, do các hộ (thuê cơ sở với giá hơn 6 triệu đồng/tháng) giết mổ không tập trung theo khung giờ nhất định, nên khó quản lý. Chúng tôi hứa sẽ chấn chỉnh hoạt động của cơ sở này”.

Dù bị xử phạt nhưng năm 2018, cơ sở này vẫn được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm?.

Trong khi đó, ông Vinh cho biết: “Cơ sở giết, mổ gia súc, gia cầm Bồ Văn Khuya có xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, để có cơ sở đánh giá chất lượng nước thải và có cơ sở xử lý, phía UBND sẽ phối hợp cùng các ngành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Bồ Văn Khuya và trưng cầu đơn vị có chức năng giám định mẫu nước thải (cụ thể là trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường), sau khi có kết quả sẽ xử lý theo quy định”.

Về vấn đề này, ông Lần khẳng định: “Sẽ báo cáo, phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan để xử lý, trong đó có đánh giá tác động môi trường, xem xét các vấn đề liên quan, nếu không đảm bảo thì có thể kiến nghị đóng cửa cơ sở giết mổ này”.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Theo Chí Thanh (Báo Người Đưa Tin)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here