Thị xã Thuận An (Bình Dương) là một trong những địa phương ở khu vực Đông Nam Bộ còn lưu giữ nhiều “nhà vuông” – cơ sở tín ngưỡng buổi đầu của những di dân lập ấp ở Nam Bộ.
Nhà vuông khu phố Thạnh Lộc. Ảnh: NTL
Nếu như ở các làng của Nam Bộ có đình, chùa, thì ở lân / ấp có nhà vuông. Các từ điển xưa đều cho biết “nhà vuông” còn có những tên gọi khác nhau như điếm dỏ, dỏ điếm, dỏ canh, dỏ làng, nhà làng, xích hậu và chức năng chủ yếu là một điếm canh của ấp, để chỉ ngôi nhà trống trải 4 phía.
Ở Nam Bộ “nhà vuông” còn gọi được là miếu Tiên Sư, nhà thờ Tiên Sư, đền Tiên Sư, nhà võ, võ ca, võ ca Tiên Sư, võ Tiên Sư. Võ là cách phát âm xưa ở Nam Bộ để chỉ “vũ” 宇 (giọng Bắc) với nghĩa là “ngôi nhà 4 phía trống trải”.
Nhà vuông có chức năng là trạm thông tin, điếm canh, nơi họp dân, một thứ “công sở” của ấp. Do đó nó thường được xây dựng nơi ngã ba, ngã tư, cạnh bờ sông, để tiện việc đi lại. Ngày xưa, đây cũng là nơi tiễn lính, được thể hiện trong ca dao:
Anh đưa em tới nhà vuông
Quay lưng trở lại nước mắt tuôn hai hàng.
Chức năng chính của nhà vuông là điếm canh, nên trai tráng trong làng tối tối lại ra đây để canh chừng trộm cướp:
Ngày thì bồi lộ đông tây
Tối thì ra dỏ, roi dây hẳn hòi.
Mặt bằng của nhà vuông có hình vuông vức với mỗi chiều 3m, 4 mái, lợp ngói âm dương, cột gỗ, bốn bề trống trải. Kết cấu ngôi nhà này theo kiểu tứ trụ với 4 cột chính ở giữa, tổng cộng 16 cột, giống kiểu kiến trúc đình miễu phổ biến ở Nam Bộ.
Nhà vuông bài trí khá đơn giản, ở giữa là bàn thờ hay tran thờ Tiên Sư, hai bên là tran Tiền hiền, Hậu hiền, liễn đối. Ở vùng Bình Dương, Đồng Nai, tran thờ Tiên Sư được đặt trên cao, trang trí cầu kỳ, còn giữ được nét cổ kính. Trong nhà vuông còn có 1 cái bàn và 2 ghế dài hai bên đóng từ các tấm ván, 1 cái trống thu không và 1 cái mõ điểm mục. Có nơi còn có dụng cụ phòng chống trộm cướp, hỏa hoạn như dây, gàu, gậy, gộc, giáo mác…
Cái trống ở nhà vuông dùng để báo hiệu thời gian sáng sớm và chiều tối, ngày nay chỉ còn dùng để báo đám tang. Mõ thì dùng để điểm phiên gác, mỗi đêm chia thành 5 phiên gác với 5 canh và mỗi lần thay phiên gác phải khai mõ báo hiệu. Dân ấp đều thuộc lòng các điệu mõ: mõ hồi ba (3 hồi) báo tin mời họp, âm điệu thư thả, mỗi nhà cử người đến vuông nghe lệnh truyền của quan; mõ hồi hai (2 hồi) báo tin trong ấp có cải vả, đánh lộn, trùm ấp và những người có trách nhiệm phải chạy đến can thiệp; mõ hồi một (1 hồi) nhịp điệu liên tiếp, dồn dập, tất cả dân làng đều phải xách gàu, gậy, giáo mác đến tiếp cứu. Mõ nhà vuông dùng để báo hiệu mời hương chức, gọi quân. Dân làng ai cũng đều có thể đánh mõ, nếu vô cớ đánh sẽ bị phạt vạ (Trương Ngọc Tường, Tiếng mõ nhà vuông ở Nam Bộ).
Lễ vía Tiên Sư ở nhà vuông có tính chất cầu an, là ngày hội chung của ấp, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ nam nữ, mọi người đều có thể đến với ước vọng an cư lạc nghiệp. Vật cúng có thể là heo quay, gà vịt, bánh trái… ai có gì mang nấy, rồi tổ chức ăn uống vui vẻ, tạo sự đoàn kết của xóm làng.
Nhà vuông khu phố Thạnh Lộc (phường An Thạnh), nằm cạnh con rạch nhỏ. Mặt trước của nhà vuông còn ghi hàng chữ “Thạnh Lộc ấp”, được trùng tu năm 1962. Bàn thờ ghi chữ Hán “Tiên sư”, 2 bên có đôi liễn, cúng 17-18/2 âm lịch, cúng đầu heo, áo dài khăn đóng màu đen, có thầy pháp thực hành nghi lễ Tống ôn. Con đường dẫn vào nhà vuông cũng được dân địa phương gọi là đường Nhà Vuông.
Nhà vuông ấp Thạnh Lợi nay là văn phòng khu phố, phường An Thạnh, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, gần ngã tư đường Hồ Văn Mên. Nhà vuông ấp Thạnh Quý hiện thờ Tiên Sư, kế bên văn phòng ban điều hành khu phố Thạnh Quý, phường An Thạnh, nằm ngay ngã tư đường Thạnh Quý – Hưng Thọ (xưa là ngã tư Thạnh Quý). Hàng năm nhà vuông làm lễ cúng Tiên Sư vào ngày 18/8 âm lịch, đãi trên 10 bàn, do bà con lối xóm đóng góp nhiều ít tùy theo khả năng của mình để cúng ông, ngoài ra còn có ca cổ.
Nhà vuông khu phố Thạnh Phú (phường An Thạnh) hiện nằm trong một con hẻm trên đường Hồ Văn Mên, gần cầu Mống. Nhà vuông này cũng nằm cạnh ban điều hành khu phố Thạnh Phú.
Nhà vuông Thạnh Phú cũ nằm ở ngã tư trên đường Hồ Văn Mên, hướng đi về khu phố Thạnh Quý, cách vị trí nhà vuông mới 300 m, được xây dựng từ lâu đời. Nhà vuông có 2 mái, lợp ngói âm dương, 2 chái hai bên, vách cây hai bên hông, phía sau là nhà bếp. Tran thờ Tiên Sư ghi bằng chữ Hán (先) đặt trên cao giữa nhà, 2 bên có 2 bộ ván 3 ngựa kích thước 4 x 1,5m, dày 4cm; 1 cái mõ dài 2m, đường kính 40cm, được đánh lên để người dân nghe xử bọn trộm cắp. Mỗi tối đều có khoảng 2-3 dân canh độ tuổi 20-40 trực ở nhà vuông để giữ gìn an ninh ở ấp. Đây cũng là điểm hội họp của dân ấp, nghe trưởng ấp thông báo chỉ thị của làng.
Bàn thờ Tiên Sư nay được đặt trong nhà học tập cộng đồng. Khi dời về chỗ mới cách nay khoảng 5-6 năm, có đặt thêm bàn thờ Bác Hồ. Mỗi năm nhà vuông có 2 lệ cúng: ngày 16/2 âm lịch cúng nhỏ, đãi khoảng 2-3 bàn; ngày 17/8 âm lịch cúng lớn, 13-15 bàn, có mời nhà vuông khu phố Thạnh Lộc, nhà vuông khu phố Thạnh Quý, các xí nghiệp trong ấp. Vật cúng là 3 tợ thịt chín, trái cây, bông hoa, rượu trà, cúng từ 10-12 giờ. Trước đó có ra vị trí nhà vuông cũ cúng 3 tợ thịt để nhớ về nhà vuông cũ. Ông Phan Văn Cuốn (sinh năm 1931), trưởng ban nghi lễ ở nhà vuông này từ nhiều năm nay, kể cho chúng tôi nghe về sự thành kính của người dân trong ấp đối với ông Tiên Sư:”Cúng đình ở xã có thể chỉ một số người tham gia, nhưng đến ngày cúng ở nhà vuông thì bà con già trẻ lớn bé khắp lối xóm đều tham dự”. Tuổi thiếu niên của ông đã từng gắn bó với ngôi nhà vuông này khi tham gia hoạt động cách mạng.
Ở vị trí của văn phòng ban điều hành khu phố Bình Hòa (phường Bình Nhâm), nằm ngay ngã ba đường Bình Nhâm 19 – Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay vốn là nhà vuông ấp Bình Hòa, xã Bình Nhâm trước đây. Nhà vuông lập trên 100 năm, diện tích 8 m2, có 1 bàn dài, bộ ván ngựa, vách cây, mái lợp ngói âm dương, tran thờ Tiên Sư đặt cao khỏi đầu người. Đây là nhà làm việc của ấp, để xử kiện, canh phòng trộm cắp. Ngày trước cứ vào dịp từ 20 tháng chạp, ở ấp cắt đặt từng tốp 3 người dân canh tuổi từ 18-40, chia nhau từng quãng 500 m, đánh mõ canh chừng kẻ trộm cho dân chúng đi đường an tâm, mà nhà vuông là “trạm” chính trong hệ thống canh phòng đó. Hiện nay phía sau văn phòng ban điều hành khu phố có miếu Chiến sĩ trận vong lập khoảng năm 1958-1960, để thờ những người đã khuất trong chiến tranh. Bác Võ Văn Đừng (87 tuổi) một lão cao niên ở vùng này bồi hồi nhớ lại.
Nhà vuông Thạnh Bình nằm giữa đình An Thạnh và đài liệt sĩ của phường, ngay ngã ba đường D1, thuộc khu phố Thạnh Bình, phường An Thạnh. Ngôi miếu Tiên Sư có mái che để bà con khoản đãi trong ngày cúng Tiên Sư. Miếu Tiên Sư trùng tu năm 1990, cạnh bên là ngôi miếu nhỏ thờ thần Tài, ông Địa. Trên bàn thờ có bài vị bằng gỗ đề chữ Tiên Sư (chữ Hán), trên vách tường phía sau bài vị cũng có hàng chữ tương tự.
Những ngôi nhà vuông ở Thuận An nói riêng và Nam Bộ nói chung là biểu hiện của sức sống văn hóa làng xã trên mảnh đất phương Nam này trong một dòng mạch không hề đứt gãy. Nó tựa như một “trang sử”, kể cho chúng ta nghe nhiều những câu chuyện về đời sống xã hội của bao lớp người đi trước.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi/ĐĐK