Có những người phụ nữ kiếm sống bằng nghề may vá, bán thịt heo, dạy học…nhưng luôn sống trong hồi hộp vì trót lấy “hiệp sĩ đường phố” làm chồng.
Đọc tin “hiệp sĩ đường phố” Bình Dương đoạt lại dây chuyền, xe máy… từ tay cướp là bạn đọc reo mừng, tán thưởng. Song, ít ai biết rằng sau lưng các anh có những người vợ đêm ngày căng thẳng, hồi hộp. Có cô khóc khi thấy cảnh chồng bị đâm, túa máu sau một pha bắt cướp. Có cô nơm nớp sợ giang hồ tìm tới tận nhà mình trả thù…Vậy nhưng, không một “bóng hồng” nào cản chồng mình đi bắt cướp.
“Lạy anh, đừng gặp vợ tôi!”
Đó là lời khẩn cầu tha thiết của “hiệp sĩ” Ngô Thành Công (29 tuổi, Đội phòng chống tội phạm phường An Phú, thị xã Thuận An– tỉnh Bình Dương) khi biết tôi có ý định phỏng vấn vợ anh. Anh Công nói: “Em mê bắt cướp. Có bị đánh, bị chém thì cái thân em chịu. Còn vợ em mà anh đưa lên báo thì em lo lắm! Cô ấy làm công nhân, hay tăng ca về khuya. Đất này giang hồ rình rập!”.
Anh Công kể đợt trước đó một gã nhắn tin vào máy anh đe dọa: “Mày có phải là thằng Công hiệp sĩ không? Tao muốn tìm mày xử!”. Lần đó, anh lo lắng nhưng tự nhủ rằng đối với giang hồ mình phải dằn mặt chứ không chúng ra tay thiệt. Anh nhắn lại ngay: “Tao là Công đây. Mày muốn xử tao nhưng mày có hàng chưa? Hay để tao tặng cho mày một cây mã tấu?”!
Anh Công và Hiếu đang làm nhiệm vụ.
Vợ anh Công đang làm công nhân may tại KCN Việt Nam – Singapore. “Hiệp sĩ” Công bảo: “Mỗi lần biết em đi dí cướp là vợ em hồi hộp lắm. Hôm trước em gọi về nhà thông báo với vợ rằng chiếc xe máy đang chạy bị hư rồi. Hư vì tông nhau lúc dí cướp. Em bảo người em không bị thương gì. Vậy mà cô ấy không tin nên bỏ việc, chạy tới hiện trường coi thử mới yên tâm đi về”.
Vợ anh Công thắc thỏm là đúng do đã có lần anh bị gãy xương vai vì té xe lúc dí cướp. Sau khi bàn giao gã cướp cho công an, Công phải nằm đi bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM điều trị nhiều ngày. Mới đây, may mà anh phản đòn kịp nếu không đã bị một gã cướp khác đã thọc dao Thái Lan vào bụng anh. “Nghĩ cũng tội nghiệp cho vợ. Có hôm em theo công an đi bắt trộm cướp đến rạng sáng mới về. Để vợ ăn cơm một mình hoài. Nhiều đêm, vì rượt cướp em rất đuối. Lên giường là ngủ vật ra”- anh Công vừa nói vừa cười.
Gia đình anh Hải.
Trong khoảng 100 “hiệp sĩ” ở Bình Dương, anh Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng phòng chống tội phạm Phú Hòa có tiếng là thương vợ. Trong những ngày tết này anh Hải phải đi cà nhót vì gót chân bị thương sau một pha rượt trộm. Anh bảo: “Vết thương xoàng này có là gì đâu. Có lần tôi còn bị giang hồ đâm từ sau lưng. Tôi không sợ gì cả, chỉ sợ nước mắt của vợ mỗi lần thấy tôi dính thương tích”.
Có lần phóng viên thấy anh Hải ngồi săm soi cái quần jean bị rách rồi tiếc rẻ: “Chiếc quần này hàng hiệu. Vợ mới mua tặng mặc tết. Giờ dí cướp té nên rách rồi. Về chắc vợ buồn lắm”! Vợ anh Hải là chị Huỳnh Thị Kim Hạnh, giáo viên một trường cấp II ở TP. Thủ Dầu Một. Có một điều trớ trêu là anh Hải thích rượt cướp như phim hành động còn vợ anh lại mắc chứng đau tim. Qua điện thoại, khi phóng viên đề nghị được ghé nhà phỏng vấn, chị Hạnh cười khúc khích rồi bảo: “Xin cho mái nhà này hai chữ bình yên”!
Thù cướp, thương chồng!
“Nhiều đêm chồng em rời nhà bất thình lình là em biết ảnh đi bắt cướp chứ không phải đi bia ôm hay bồ bịch. Máu của ảnh là vậy, nghe cướp, nghe trộm là nóng lên, phải đi bắt bằng được” – Chị Nguyễn Thái Hà, vợ “hiệp sĩ đường phố Nguyễn Thanh Hiếu nói. Anh Hiếu nặng khoảng 90 kg, sống bằng nghề bán dừa giải khát. Anh là một trong “hiệp sĩ” dũng mãnh nhất vùng Thủ Dầu Một.
Chị Hà, vốn là sinh viên một trường cao đẳng ở Bình Dương. Lấy anh Hiếu, chị ở nhà vừa chăm con vừa phụ bán dừa mỗi khi chồng bận dí cướp.
Chị kể: “Hồi em mới quen ảnh, ảnh chở em đi thì thấy thằng kia trộm chiếc xe Air Blade của một phụ nữ. Ảnh vứt em giữa đường rượt theo. Chiếc container đang chạy phía trước mà ảnh bang sát vô rồi đạp thằng trộm đang cưỡi chiếc Air Blade. Nó không ngã, ảnh rượt tiếp. Đến đường đầy sỏi đá, ảnh đạp nó lần hai. Nó té, vứt xe chạy bộ. Ảnh chạy theo. Tới chỗ chuồng heo của nhà dân, ảnh phi vào người nó. Cả hai vật lộn. Ảnh khóa tay đưa về đồn công an. Em đứng chờ ảnh hơn 1 tiếng đồng hồ giữa trưa nắng. Ảnh tới đón em với bộ áo quần dính đầy phân heo. Lần đó em thấy rất sợ nhưng cũng thấy hay. Thế rồi bọn em cưới nhau”.
Bốn hiệp sĩ Bình Dương.
Chị Hà bảo chị ủng hộ chồng đi bắt trộm cướp vì chị hiểu cuộc sống này còn nhiều người nghèo, mỗi lần bị cướp, bị trộm là buồn tiếc vô vàn. Chị nói: “Em thù cướp lắm. Cách đây mấy tháng, em đang ngồi trong nhà ru con thì kẻ cướp ở đâu xộc vào giựt phăng sợi dây chuyền trên cổ em rồi nhảy ra cửa thoát mất”. Thấy vợ buồn, anh Hiếu ra đường, gặp gã nào cướp đồ của dân cũng bắt cho bằng được. Bắt xong anh hỏi chặn đầu: “Có phải mày vô nhà giựt dây chuyền của vợ tao không?”
Có lẽ phải có một tình yêu sâu sắc, các “bóng hồng” mới sống lâu được với những người đàn ông suốt ngày lo chuyện thiên hạ. Khoảng hai mươi năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng làm nghề bán thịt heo ở chợ Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một đã giữ được cuộc hôn nhân đầm ấm với “cánh chim đầu đàn” của làng “hiệp sĩ Bình Dương” là anh Trần Tuấn Anh (46 tuổi, ngụ phường Phú Hòa).
Chị Hồng kể: “Sáng sớm chồng tôi ra khỏi nhà quần áo bảnh bao nhưng chiều về thì xổ tung, nhàu nát vì truy đuổi tội phạm. Đánh nhau với giang hồ khiến nhiều đêm ảnh đau ê ẩm. Tôi chỉ biết nằm cạnh, xoa bóp cho chồng hạ cơn đau. Hình như ảnh thương tôi vì tôi không bao giờ cấm ảnh đi bắt cướp”.
Chị bảo ngày trước chị “kết” anh Tuấn cũng vì anh là người giỏi võ nghệ, thích hành hiệp trượng nghĩa. “Hồi xưa ảnh là thầy dạy võ Vovinam. Trong xóm trai gái có cả trăm người tới lớp ảnh xin học. Tôi cũng học rồi đem lòng thương ảnh lúc nào không hay”, chị Hồng thẹn thùng kể.
Theo Như Phú/Người lao động