Nhạc sĩ Võ Đông Điền: Còn nghe Tiếng hát chim đa đa

Mười năm trước, khi Top ten Làn Sóng Xanh còn giống như một thước đo nóng bỏng của thị trường âm nhạc, ca khúc “Tiếng hát chim đa đa” xuất hiện và đã định danh nhạc sĩ Võ Đông Điền. Bây giờ, tác giả “Tiếng hát chim đa đa” đã trở thành Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bình Dương.

Thưa nhạc sĩ Võ Đông Điền, nếu không có sự nổi tiếng đột ngột của “Tiếng hát chim đa đa” thì có lẽ khán giả cả nước cũng không thể nào biết có một người viết ca khúc tên là Võ Đông Điền, ở thị xã Thủ Dầu Một?

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Tôi viết “Tiếng hát chim đa đa” từ năm 1993, vài ca sĩ trong tỉnh hát khan cả cổ họng mà cũng không mấy người biết. Mãi đến năm 1999, tôi tình cờ đưa ca khúc này cho nhạc sĩ Vy Nhật Tảo và không ngờ ca sĩ Quang Linh đã thu âm và đưa nó đến với đông đảo công chúng.

Giai điệu “Tiếng hát chim đa đa” không có gì đặc biệt, nhưng câu chuyện được kể trong bài hát khiến nhiều người vẫn muốn tin rằng, tác giả đã gửi vào đó chút hoài niệm về một mối tình lỡ làng… “Sao em không như ngày nào, sang đây nghe tôi ngồi đàn, để điệu đàn buồn mênh mang. Em như mây trôi dịu dàng, trôi lang thang trên bầu trời, và mây đã xa tôi…” nghe cũng xót xa lắm.

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Thì ngày xưa tôi cũng có yêu một cô gái bên kia sông, và cô ấy đi lấy chồng. Cái ý nhân duyên dang dở với cô hàng xóm thì nhiều người viết rồi, nên tôi “lái” sang kiểu khác, đành nói chuyện con chim đa đa vậy.

À, “con chim đa đa ngậm ngùi đành bay xa” có phải là con gà gô không nhỉ?

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Tôi cũng chẳng biết, tôi sinh ra và lớn lên ở đây, chỉ nghe người ta gọi là con chim đa đa thôi!

Sau khi được ca sĩ Quang Linh thể hiện, “Tiếng hát chim đa đa” được rất nhiều ca sĩ khác biểu diễn khắp nơi. Chắc tác giả cũng nhận được khoản tiền tác quyền kha khá?

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Hồi đó tôi bán độc quyền được có 2 triệu đồng chứ mấy. Về sau thỉnh thoảng Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc có thu giùm thêm được mấy trăm ngàn nữa. Tôi ở tỉnh lẻ, lơ ngơ lắm, thiệt thòi lắm.

Nhiều người lại thấy anh rất nhạy bén, khi “Tiếng hát chim đa đa” vừa hát vang khắp hang cùng ngõ hẻm thì anh viết tiếp ngay “Xin đừng trách đa đa” lại ăn khách nữa… Công nghệ “tập hai” đâu phải ai cũng làm được!

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Có thể nhờ sự lan tỏa của “Tiếng hát chim đa đa” cho tôi cảm hứng mới. Tôi thấy có thể kể tiếp chuyện tình đó, nên viết “rồi con chim đa đa, ngẩn ngơ đứng trông về chốn xa”. Tôi vừa gọi điện tiếp thị, hãng băng đĩa đồng ý mua ngay.

Kết thúc bài hát “Xin đừng trách đa đa” là những lời nỉ non “chiều chiều ra đứng bờ sông, giây phút chạnh lòng em có trách đa đa. Xin em đừng trách đa đa, xin em đừng trách đa đa..”. Chắc chắn với riêng nhạc sĩ Võ Đông Điền thì không những không trách đa đa, mà còn phải cảm ơn đa đa?

Đúng, cái khó khăn nhất của các nhạc sĩ sống xa hai trung tâm Hà Nội và TPHCM là cơ hội quảng bá tác phẩm. Nhờ khởi đầu “Tiếng hát chim đa đa” mà tôi có nhiều điều kiện công bố các sáng tác mới, lâu lâu còn được gọi điện đặt hàng viết bài này bài nọ.

Nếu trực tiếp nhìn thấy không gian ông đang ở với nhà tổ đường rợp bóng cây thân thiện đúng khuôn mẫu nông thôn, có lẽ nhiều người sẽ hiểu hơn vì sao trong ca khúc của ông luôn man mác, luôn ngậm ngùi hơi thở dân ca…

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Tôi cũng có viết nhiều bài trẻ trung lắm. Ví dụ bài “Bất chợt ta nhìn nhau” mà Đàm Vĩnh Hưng hay hát ấy, tôi rất tâm huyết nhưng không hiểu sao vẫn ít được ưa chuộng so với “Tiếng hát chim đa đa”.

Tôi có biết bài ấy… “Bất chợt em nhìn anh, lắng nghe từng kỷ niệm. Bất chợt anh nhìn em, nhớ những ngày xa xưa… Bất chợt nghe thời gian, lá thu vàng mấy độ. Bất chợt nghe tình yêu, gió chuyển mùa heo may… Sao không như ngày ấy, ngày em tròn hai mươi tuổi? Sao không như ngày ấy, để anh mãi còn đôi mươi?” nhưng vẫn không phổ biến bằng “mái trường xưa có là Hoàng Hạc Lâu, biết tìm con bướm vàng giờ ở đâu” của bài “Màu hoa bí”. Nếu chọn ba bài hát để giới thiệu phong cách âm nhạc Võ Đông Điền, thì anh chọn những bài nào?

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: “Tiếng hát chim đa đa”, “Màu hoa bí” và “Bất chợt ta nhìn nhau”. Ba bài này có ba tâm trạng khác nhau mang dấu vết cuộc đời tôi.

Nói thật anh đừng giận, anh có cái chỉn chu và mực thước của một nhà giáo, chứ không có cái hào hoa và lãng mạn của một nhạc sĩ!

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Tất nhiên, từ nhỏ đến lớn tôi chỉ có một dự định duy nhất là trở thành thầy giáo. Sau hơn 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, tôi mới rời khỏi Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương để sang làm Chủ tịch Hội Văn nghệ của tỉnh. Nói chung, cốt cách của tôi vẫn là một nhà giáo tỉnh lẻ, viết nhạc chỉ là do duyên số đẩy đưa.

Cái “duyên số đẩy đưa” đã giúp anh có bao nhiêu ca khúc?

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Gần 100 bài.

Sau album “Những cánh diều quê hương”, sao không thấy anh ra album mới?

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Bây giờ tôi làm quản lý nên không tiện xuất bản riêng cho mình. Khi nào về hưu tôi sẽ làm.

Nghĩa là hiện tại anh vẫn đang sáng tác ca khúc?

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Dạo này công việc hành chính bận rộn quá, hơn nữa tôi thấy nản nên không viết.

Nản? Vì sao?

VÕ ĐÔNG ĐIỀN: Tôi thấy các ca sĩ tự viết nhạc, rồi các loại ca từ bình dân ra rả vang lên mà ngao ngán. Tôi năm nay 57 tuổi rồi, đã có cháu nội, cháu ngoại, nếu đứng chung vào dòng chảy âm thanh hỗn loạn đó thì kể ra cũng hơi ái ngại

TUY HÒA (SGGP)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here