Cù Lao Rùa Thạnh Hội, Tân Uyên – Bảo vật 3.000 năm giữa mênh mông sông nước

Người xưa nói rằng Đồng Nai là vùng đất tứ linh với Long – Lân – Quy – Phụng. Con sông Đồng Nai là con rồng uốn lượn, mà đầu rồng là núi Bửu Long, đuôi rồng là núi Châu Thới. Ở ngay bên cạnh đầu rồng Bửu Long, dòng sông Đồng Nai chẻ làm 2 nhánh ôm lấy một cù lao, đó chính là cù lao Rùa, hay còn gọi là cồn Quy.

Cù lao Rùa chập chờn giữa dòng Đồng Nai như linh quy đang giỡn nước, ngẩng nhìn đầu rồng hùng vỹ ở Bửu Long.

Tuy nhiên, theo địa giới hành chánh hiện nay thì cù lao Rùa không thuộc Đồng Nai, mà là thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tên gọi bây giờ của cù lao Rùa là xã Thạnh Hội.

3.000 năm trước

3.000 – 3.500 năm trước đã có một nền văn hóa tiền sử ở cù lao Rùa. Từ thế kỷ 19, các nhà khảo cổ người Pháp đã phát hiện điều đó. Trên cù lao Rùa có một ngọn đồi cao 15 met so với mặt bằng chung, như hình mu rùa, những cuộc khai quật và khảo sát tại đây từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 phát hiện nhiều công cụ bằng đá, đồ trang sức, đồ gốm…

 

Công cụ đá được khai quật từ cù lao Rùa – Ảnh: Báo Bình Dương

Bát Bồng trong di tích Cù Lao Rùa – Ảnh: Báo Bình Dương

Những hiện vật công cụ đá mang tính nghi lễ được tìm thấy trong mộ táng như 02 chiếc cuốc được chế tác hoàn thiện, sử dụng chế tác đối xứng, độ cong đều của lưỡi cuốc là sự biểu hiện về ý thức hoàn hảo trong tạo hình một hiện vật cụ thể và những chiếc bát bồng gốm chân cao, khắc vạch hoa văn tuyệt đẹp….

Hố khai quật di tích Cù Lao Rùa

Như vậy hơn 3.000 năm trước khi nhiều nơi ở Nam bộ vẫn còn hoang vu thì cư dân Cù Lao Rùa đã là một cộng đồng có ý thức rất cao trong việc thích nghi với từng hòan cảnh cụ thể trong hoạt động sống của mình.

200 năm trước

Trịnh Hoài Đức đi thuyền trên sông Phước Long (tức sông Đồng Nai) đến cù lao Rùa đã sáng tác bài thơ Quy dự vãn hà để ca ngợi phong cảnh nơi đây.

Quy Dự viên ở Cù lao Rùa, bên trong có tấm bia khắc bài thơ Quy Dự vãn hà (Quy = rùa, dự = cù lao)

Quy dự vãn hà

Quy dự thanh u hoạ bất năng
Hà quang vãn bố uất đằng đằng.
Bán sơn hoành khải thiên hoa động
Cách ngạn tà phi ngũ sắc lăng.

Túy bả ngọc bôi đồng thác lạc,
Nhàn thiêu kim áp cộng huân chưng
Bàng hoàng thiên tế tường cô lộ
Lâu hạm xuy tiêu hữu khách bằng

Bản dịch của tiến sĩ Lê Sơn:

Ráng chiều trên cồn Quy

Thanh tĩnh cồn Quy vẽ chẳng xong
Ráng trời chiều muộn khí mù tăm
Núi xa, muôn vẻ thiên hoa động,
Bờ cách, ngang trời sắc tím hồng.

Say ném ngọc bôi cùng thác lạc,
Nhàn nghe thơm phứt khói hương xông.
Bên trời một chiếc cò chao liệng,
Tựa cửa lầu cao khúc sáo đồng.

Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã tả cù lao Rùa bằng những lời rất nên thơ: Cù lao Rùa ở giữa dòng sông Phước Long, cách trấn lỵ về phía tây nam 9 dặm, dài 3 dặm, dân cư cày bừa ở dưới. Sông dài như cái giải áo, cột buồm thấp thoáng, khói tỏa sóng nhô, nhấp nhỏm như hình rùa thiêng giỡn sóng, cảnh trời mưa rất đẹp.

Hai trăm năm trước, Trịnh Hoài Đức đã xếp cù lao Rùa vào một trong ba mươi danh thắng đẹp nhất miền Nam.

10 năm trước

Cho đến năm 2009, cù lao Rùa – xã Thạnh Hội – là một ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài. Không có chiếc cầu nào bắc sang cù lao Rùa. Không có chuyến phà nào. Chỉ có những chuyến đò ngang.

Bạn có thể hình dung ở đầu thế kỷ 21 này một vùng đất không thông thương với bên ngoài bằng đường bộ sẽ nghèo như thế nào?

Người dân cù lao Rùa sống bằng những cánh đồng hành, rồi sau đó là bạc hà. Những con đường ở đây chỉ là đường đất, không có công trình xây dựng nào.

Một cánh đồng bạc hà ở cù lao Rùa

Từ phố thị đi vào cù lao Rùa, ta đi vào một khoảng không gian yên ả lạ thường. Không có tiếng xe, tiếng máy, chỉ có dòng sông lặng lẽ và tiếng gió rì rào. Không có cao ốc, nhà hàng, khách sạn… chỉ có những con đường làng quê trầm mặc.

Dòng sông êm ả đỏ quạch phù sa – Ảnh: Anvietnam

Với không gian ấy, âm thanh ấy, ta như đi lạc vào một khoảng thời gian xa xưa. Nam bộ của đầu thế kỷ 20. Hay xa hơn nữa, 200 năm trước khi Trịnh Hoài Đức dong thuyền trên dòng Phước Long Giang? Hay 3.000 năm trước cùng tổ tiên ta sinh sống trên cồn Quy này?

Cánh đồng Thạnh Hội (cù lao Rùa), dãy cây xanh nhô cao phía xa là gò Rùa

Cù Lao Rùa ngày nay

Tháng 12/2009, cầu Thạnh Hội nối từ huyện Tân Uyên vào cù lao Rùa xây xong. Đáng lẽ cù lao phải có 2 chiếc cầu, một vào và một ra, nhưng ở đây chỉ một. Ở phía Bửu Long, Biên Hòa muốn qua cù lao Rùa vẫn phải đi đò, còn nếu muốn đi đường bộ phải đi một vòng qua quốc lộ 1K, tỉnh lộ 743, đường dài thêm… 12 km. Long và Quy vẫn cách nhau 1 dòng sông.

Từ cù lao Rùa nhìn sang Bửu Long – Long Quy xa cách

Cầu Thạnh Hội

Có chiếc cầu, cù lao Rùa thông thương được với bên ngoài tốt hơn. Đã có những con đường rải đá. Đã có ngôi trường tiểu học được xây lên.

Ngay chân cầu Thạnh Hội là một khung cảnh thuần chất đồng quê: đàn trâu thong dong ăn cỏ, những chú cò nhởn nhơ chung quanh

Bạn muốn tìm đến một nơi miền quê yên ả miền Đông Nam bộ, cách xa cuộc sống hiện tại cả về không gian và thời gian xin hãy tìm đến đây.

Cù lao Rùa không dành cho những ai ưa thích sự khám phá, năng động hay nhộn nhịp – Ảnh: Anvietnam

Sau khi có chiếc cầu, cho đến cuối năm 2012 thì trường Tiểu học Thạnh Hội là công trình xây dựng có quy mô duy nhất ở Cù lao Rùa.

Trường đứng trơ vơ giữa cánh đồng mênh mông.

Bạn hãy lên ngôi chùa cổ Khánh Sơn nằm trên gò Rùa (chính là ngọn đồi cao, chiếc mu rùa trên thân rùa), ngôi chùa 200 năm tuổi.

Đường lên Khánh Sơn cổ tự

Chánh điện yên tĩnh dưới bóng cây – Ảnh: Anvietnam

Đây là ngôi chùa ni (chỉ toàn sư nữ) – Ảnh: Anvietnam

Nơi đây có những tảng đá ong to lớn nằm lặng yên như ấp ủ quá khứ mấy ngàn năm. Chính từ những tảng đá ong này lịch sử mấy ngàn năm đã được khơi dậy.

Những tảng đá ong trên gò Rùa

Có thể bạn sẽ nhớ đến những câu thơ của Quang Dũng:

Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan?

Cù Lao Rùa đang bị bức tử từng ngày

Những ngày này, giữa muôn vàn thông tin chớp nhoáng của xã hội hiện đại, Cù Lao Rùa đang tiếp tục bị đe doạ nghiêm trọng do sạt lở từ nhiều năm nay. Nguyên nhân chính là do khai thác cát trái phép bừa bãi, một phần là do sự lưu thông của tàu thuyền và nước lũ.

Theo báo Bình Dương đưa tin, hiện nay cù lao có khoảng 7 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2,5km. Trong đó đoạn hẹp nhất của cù lao Rùa là “cổ rùa” bị xói lở từ hai phía, chiều rộng chỉ còn khoảng 80m. Nếu tiếp tục bị lở, “cổ rùa” chắc chắn sẽ bị “cắt lìa”, lúc đó hai nhánh sông nhập lại và quá trình xói lở sẽ gia tăng hơn nữa. Ngoài ra, hiện có khoảng 15 hộ dân đang phải sống thấp thỏm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Giã biệt cù lao Rùa. Rùa linh vẫn tung tăng giỡn nước hay sắp chìm sâu trên dòng sông Đồng Nai?

Theo Phạm Hoài Nhân
(bài viết được Yeubinhduong biên tập, chỉnh sửa, sử dụng tin của Báo Bình Dương và một số hình ảnh của Anvietnam)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here