Múa hẩu: Điệu múa đặc sắc của cộng đồng người Hoa tại Bình Dương

Ngoài múa lân sư rồng, tỉnh Bình Dương còn có một hình thức múa mà các địa phương khác trong cả nước hầu như chưa có đó là múa hẩu (ảnh). Hẩu là linh vật của người Phước Kiến và múa hẩu chính là nét đặc sắc riêng trong văn hóa của người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Hẩu có hình dáng như sau: Đầu hổ, mình rắn, chân nai, đuôi bò gọi là tứ bất tướng – đó là những con vật đáng sợ theo trí tưởng tượng của người xưa. Đầu của Hẩu được người Hoa Phước Kiến đã sử dụng chính nguyên liệu và kỹ thuật làm gốm để thực hiện.

Múa hẩu là tiết mục đặc biệt trong lễ cúng các vị thần bảo hộ của người Phước Kiến, thường là trong lễ cúng rước ông Bổn đi tuần du ở các vùng làm lò chén ở Búng, Lái Thiêu, Chánh Nghĩa và Tân Phước Khánh, Bình Dương. Sau lễ cúng tại đền, miếu, người Phước Kiến làm lễ rước kiệu có tượng thần, có các đoàn hẩu, lân theo hộ giá đi diễu hành ngoài đường. Theo truyền thuyết Thổ Địa chính là vị thần đã thu phục hẩu, nên trên đường hộ tống ông Bổn tuần du gặp miếu Thổ Địa là Tổ của hẩu, hẩu đều phải đến cúi lạy chào, nhưng ý nghĩa sâu xa hơn nữa nhằm khẳng định nguồn gốc hẩu sinh ra từ đất, kính ngưỡng Thổ Địa chính là nhớ đến nguồn gốc sinh ra của mình.

Múa hẩu mang đậm tính chất tín ngưỡng, trang nghiêm. Hẩu không dùng để múa biểu diễn phục vụ vui chơi, giải trí như múa lân, múa sư, múa rồng mà chỉ xuất hiện trong các lễ cúng thiêng liêng.

Nghệ thuật múa hẩu không thể tách rời khỏi không gian thiêng của lễ hội và không gian sống của cộng đồng người Hoa Phước Kiến. Đến Bình Dương vào dịp lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu Rằm tháng giêng âm lịch và lễ hội ông Bổn của họ Lý và họ Vương, du khách có thể chiêm ngưỡng nghệ thuật múa hẩu, điểm nhấn đặc sắc riêng có trong lễ hội của người Phước Kiến nói riêng và người Hoa ở Bình Dương nói chung.

Khánh Đăng (Báo Bình Dương)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here