Lò luyện những tay đua tốc độ ở Bình Dương

Du nhập vào Việt Nam khoảng hai năm nay, đua Go-kart đang trở thành thú chơi mới của những người yêu tốc độ.

Hai ngày cuối tuần, Trường đua xe Đại Nam (Bình Dương) trở nên huyên náo bởi tiếng gầm rú của những xe Go-Kart tranh tài.

Đua Go-Kart là một dạng đua Thể thức 1 mini với những chiếc xe nhỏ, sử dụng công nghệ động cơ hai thì, có thể đạt vận tốc lên tới hơn 200km/h. Các tay đua so tài trên đường đua 1,5 km trong suốt tám vòng đua, bao gồm nhiều đoạn cua trái và phải, tăng tốc…

Các tay đua mặc đồ bảo hộ trước giờ biểu diễn. Chi phí cho các món đồ bao gồm nón bảo hiểm, giày đua, găng tay và giáp bảo hộ lên tới cả chục nghìn USD.

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra áp suất của bánh xe để đảm bảo độ bám trên đường đua.

Tay đua Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi) giơ tay tự tin trước cuộc đua.

Tuấn từng đoạt Cup bán chuyên nghiệp tại giải đua Go-kart năm ngoái tại Bình Dương. “Với tôi, đua Go-kart vừa là đam mê, vừa là một nghề đang nuôi sống chính mình. Hiện một tháng tôi biểu diễn tám lần. Lúc đầu đua, tôi cũng thấy khó khăn lắm vì đường nhiều khúc cua lắm, nhưng chạy nhiều nên có nhiều kinh nghiệm để xử lý tình huống”, anh nói.

Một vụ va chạm tại góc cua khiến cả hai tay đua phải dừng cuộc chơi. “

Trong cuộc đua tốc độ, việc va chạm là hết sức bình thường với người chơi, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra thương tích do đồ bảo hộ chuyên dụng”, tay đua Lê Ngọc Quyết (23 tuổi) chia sẻ.

Giữa trưa nắng gắt, thầy trò HLV Phạm Mạnh Lân ngồi theo dõi việc tập luyện của thành viên trên trường đua. Ông Lân cho biết, nhiều tháng nay đã từ TP HCM xuống Bình Dương để tập huấn cho học trò dự giải Vô địch Go-kart tại Thái Lan sắp tới.

“So với đua F1, đường đua này nhỏ hơn nhưng tất cả các tay đua F1 đều phải bắt đầu bằng việc tập Go-kart, từ huyền thoại như Michael Schumacher đến Ayrton Senna. Với tôi, điều quan trọng là phải tập huấn cho các cháu giữ được sự ổn định, vòng nào cũng như vòng đó mới thể hiện được sự chính xác và giành chiến thắng”, HLV từng tập đua Go-kart nghiệp dư tại Anh nói.

Bùi Đức Minh (12 tuổi) lắng nghe góp ý từ thầy Lân sau khi lái xe 10 vòng quanh sân.

“Em học Go-kart được sáu tháng. Gia đình rất ủng hộ em chơi bộ môn này. Bản thân em cũng thấy rất thích vì nó nhanh và mọi thứ đơn giản”, Minh nói.

Cùng tuổi Minh, Phạm Hoàng Nam học Go-kart sớm hơn gần hai năm và từng đạt một số thành tích trong khu vực. Nam cũng là tay đua trẻ duy nhất tại Việt Nam được chọn là gương mặt quảng bá giải đua Công thức 1 năm 2020 tại Hà Nội.

Nam trình diễn kỹ thuật trên đường đua. Tốc độ tối đa của các tay đua nhí có khả năng đạt khoảng 95 km/h.

Ở tuổi 14, Vương Gia Nghi (TP HCM) là nữ học trò duy nhất đang tập luyện Go-kart với sự hỗ trợ của bố.

“Tình cờ mua được chiếc xe cũ của bạn, tôi không ngờ con gái lại thích nên quyết định cho cháu tập. Bộ môn này tốn kém lắm nhưng miễn con thích là vui”, ông Vương Dân Thịnh – bố của Nghi, chia sẻ.

Đua Go-Kart không chỉ thõa mãn niềm đam mê tốc độ của những tay đua chuyên nghiệp ở tuổi trưởng thành, mà còn là môn thể thao dành cho những tay đua vị thành niên (13-15 tuổi) với nhiều giải đua danh giá được tổ chức đều đăn hàng năm trên toàn thế giới. Bộ môn Đua Go-Kart được hình thành cách đây khoảng 50 năm tại Mỹ. Go-kart được giới đua xe bốn bánh gọi là: bước đầu tiên để đi đến chiếc F1 bởi những điểm tương đồng giữa chúng.

“Du nhập vào Việt Nam còn khá mới, nhưng đây là lần đầu tiên có lứa Go-kart đi quốc tế so tài. Tôi nghĩ, đó là tín hiệu vui và tự hào với người đam mê môn thể thao này”, HLV Phạm Mạnh Lân nói.

Anh Trịnh Thanh Hải, Trưởng bộ môn Go-kart, cho biết trường đua có 16 xe chuyên dụng, với 8 tay đua có độ tuổi từ 20 đến 28 tuổi. “Ở đây, anh em biểu diễn đua Go-kart cho khán giả xem là chính, ngoài ra còn cho khách thuê sân tập và trải nghiệm bộ môn này với giá 650.000 đồng một lượt 10 phút”, anh nói.

Cũng theo anh Hải, dàn xe được nhập từ Italy có giá gần 12.000 USD mỗi chiếc nên chi phí bảo dưỡng, bảo trì và vận hành hàng tháng rất tốn kém.

Thành Nguyễn/Vnexpress

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here