Bình Dương được biết đến như cái nôi của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nam Bộ với các làng nghề truyền thống như: sơn mài, chạm trổ điêu khắc, gốm sứ, làm heo đất, mây tre đan, sản xuất nhang, làm bánh tráng, sản xuất guốc… Trong đó, nghề sơn mài đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp
Xuôi theo quốc lộ 13 về hướng Bắc, qua trạm thu phí Suối Giữa rẽ trái vào đường Hồ Văn Cống, du khách sẽ đến với làng sơn mài Tương Bình Hiệp.
Càng đi sâu vào làng, du khách sẽ gặp nhiều cửa hàng bày bán đủ mặt hàng được làm từ sơn mài, từ những sản phẩm lớn như giường, tủ, bàn, ghế đến những sản phẩm nhỏ như tranh ảnh, bình hoa, hộp đựng trang sức…
Qua bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, các sản phẩm sơn mài trở nên giá trị với những đường nét tinh xảo, nhẹ nhàng.
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp nhiều thế kỷ nay vẫn là niềm tự hào của người dân địa phương, được xem là chiếc nôi của nghề sơn mài trên đất Bình Dương và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là “Làng nghề truyền thống”.
Đến đây, du khách được tận mắt ngắm nhìn và tìm hiểu từng công đoạn sản xuất của nghề truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam.
Làng nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ Thủ Dầu Một
Đây là một nghề truyền thống lâu đời, với hơn 200 năm tồn tại và được các thế hệ nghệ nhân truyền cho con cháu đến ngày nay.
Thủ Dầu Một từng được coi là cái nôi của nghề mộc gia dụng Nam Bộ do nơi đây có nhiều rừng và nhiều gỗ quý, cũng là miền đất sản sinh ra những nghệ nhân, thợ chạm khắc gỗ tài hoa.
Hiện nay, tại phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một vẫn còn tồn tại làng điêu khắc gỗ Phú Thọ và làng guốc Phú Văn.
Đồ gỗ gia dụng của vùng đất Thủ từ lâu đã nổi tiếng gần xa do kiểu dáng đẹp, chất liệu tốt. Với đôi bàn tay khéo léo tài hoa cùng óc sáng tạo và kinh nghiệm về kỹ thuật chạm, khảm xà cừ trên các tủ thờ, ghế dựa, trường kỷ, hương án…, thợ chạm trổ Bình Dương đã chạm trổ, khắc họa nên các hoa văn, mô típ trang trí thanh cao như: tùng, bách, trúc, mai, hoa cúc, hoa mẫu đơn…
Làng nghề gốm Lái Thiêu
Không chỉ nổi tiếng với những vườn cây trái, Lái Thiêu còn được biết đến với sản phẩm gốm Lái Thiêu đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí vừa đậm chất hội họa vừa mang tính dân gian.
Vừa đẹp lại vừa mang tính ứng dụng cao, gốm Lái Thiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong suốt hàng chục năm qua. Không chỉ được ưa chuộng trong nước, gốm Lái Thiêu còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khá nhiều.
Làng nghề mây tre đan
Nghề đan lát của Bình Dương chủ yếu tập trung ở thị xã Tân Uyên với các sản phẩm sử dụng hàng ngày như quạt, thúng, mẹt…
Hàng mây tre đan có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật rất cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, chim thú…
Có loại cần sự khéo tay và cũng rất công phu như lẵng hoa quả, khay đĩa, làn, cặp, mũ, chao đèn… với nhiều kiểu dáng phong phú.
Có loại thuộc nhóm sản phẩm gia dụng, kích thước lớn…
Làng nghề guốc
Nghề làm guốc truyền thống ở Bình Dương đã hình thành cách nay khoảng hơn 100 năm. Các cơ sở làm guốc chủ yếu tập trung trên địa bàn phường Phú Thọ (thành phố Thủ Dầu Một) và phường Bình Nhâm (thị xã Thuận An).
Nguyên liệu làm guốc thường là các loại gỗ xốp nhẹ, dễ xẻ và tạo dáng như: gỗ mít, xoài, dừa, trầm hương, thông…
Theo một nghệ nhân làm guốc ở phường Phú Thọ, để làm ra đôi guốc phải trải qua nhiều công đoạn: từ cây gỗ phải cưa khúc, bổ khổ sau đó cho vào máy xẻ, mài thô rồi định hình dạng của chiếc guốc; sau đó mài bóng, mài nhẵn và phun sơn; công đoạn cuối cùng là đóng đế và quai hay sơn trang trí tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Guốc gồm có nhiều loại như: guốc mộc, guốc sơn, guốc vẽ khắc hoa văn; về sau guốc được kết hợp với nhiều ngành nghề thủ công khác như: nghề sơn mài, thêu tay, kết cườm tạo thành những đôi guốc mộc có giá trị và tính thẩm mỹ cao.
Làng nghề làm nhang
Quan sát người thợ chẻ nhang mới thấy khâm phục sự điêu luyện của người làm nghề. Mỗi động tác của người chẻ đều thoăn thoắt, dứt khoát và nhìn qua thanh tre là biết phải chẻ làm ba, làm tư để phù hợp với li, tấc của loại tăm hay chân nhang.
Hiện làng nghề nhang Dĩ An có hơn 50 hộ gia đình làm nghề chẻ tăm nhang.
Do là nghề thủ công truyền thống nên công việc có thể làm quanh năm và thời điểm bận rộn nhất là giai đoạn vài tháng gần tết do nhu cầu của khách hàng.
Làm nhang là nghề lắm công phu và đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Nguyên liệu làm nhang chỉ là bột cây keo, mạt cưa, bột áo và bột thơm nhưng phải hòa trộn tỷ lệ sao cho khi thắp nhang chóng bắt lửa, tỏa mùi thơm và lâu tàn. Bởi thế, trong quá trình làm nhang, trộn bột là khâu khó nhất, đòi hỏi người thợ phải đều tay. Sau đó cho nước thấm từ từ vào bột đến khi bột đạt được độ dẻo. Nếu nước nhiều bột sẽ bị nhão và tốn nhiều bột áo, khi se nhang sẽ bị móp. Nếu trộn quá nhiều keo, khi thắp nhang thường bị tắt. Để có những cây nhang dính chắc và tròn đều, người thợ phải thật khéo tay trên bàn se.
Nguồn: Tạp Chí Du Lịch