“Đường Tăng” của Việt Nam và pho tượng bằng tóc người ở chùa Tây Tạng, Bình Dương

85 năm trước, có một thiền sư người Bình Dương đã mất 375 ngày để đi từ Sài Gòn qua các Phật tích ở Ấn Độ, Népal và vượt lên dãy Himalaya bằng cách đi thuyền, cưỡi ngựa và đi bộ. Ông ở lại đó hơn 150 ngày, thu hút sự chú ý đầy hiếu kỳ của dân chúng cả thành Lhasa về sự xuất hiện khác thường của mình. Đồng thời trở thành chuyện lạ truyền tụng trong giới quý tộc và các vị chức sắc cao cấp nhất của Tây Tạng thời ấy, bởi sự kiện: ông là người ngoại quốc duy nhất cho đến lúc đó được pháp vương Tây Tạng trực tiếp ban pháp danh và ấn chứng để trở thành vị Lạt ma người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử truyền pháp trên xứ tuyết, có thể nói là cả trong lịch sử truyền pháp trên thế giới.

Nổi tiếng là một công trình kiến trúc đẹp, một di sản văn hoá đáng tự hào của người Bình Dương, chùa Tây Tạng nằm trên một ngọn đồi có nhiều bóng mát cây xanh trên đường Thích Quảng Đức, P. Chánh Nghĩa, Tp. Thủ Dầu Một.

Chùa có bức tượng được kết từ tóc của hàng ngàn phật tử xuống tóc, có lẽ chỉ duy nhất có ở Việt Nam và một vị trụ trì được coi là “Đường Tăng” của Việt Nam bởi ngài đã có hành trình hơn 2 năm đi chiêm bái, thỉnh kinh, thỉnh xá lợi Phật gian khổ hệt như Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết lừng danh Tây Du Ký ở xứ sở Phật Giáo như Ấn Độ, Népal và Tây Tạng.

Hành Trình đơn độc của vị “Đường Tăng” Việt Nam

Thiền sư Minh Tịnh, tên thật là Nguyễn Tấn Tạo, sinh năm 1888, trong một gia đình công chức bậc trung ở thôn An Thạnh (Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Thuở thiếu thời, cậu bé Tấn Tạo rất thông minh, lớn lên nhanh chóng am hiểu Đông và Tây học.

Năm 16 tuổi, Tấn Tạo bắt đầu tìm hiểu sang lĩnh vực Phật giáo. Những chân lý trong triết lý đạo Phật khiến cậu bé ngộ ra nhiều điều. Năm 1904, Tấn Tạo quyết định xuống tóc, quy y Phật pháp tại ngôi chùa Thiên Tôn nổi tiếng trong vùng và lấy pháp danh là Minh Tịnh.

Sinh thời, thiền sư Minh Tịnh luôn tâm niệm, muốn chấn hưng Phật pháp phải biết cội nguồn của Phật pháp. Với ý chí, tư duy đó, ông đã quyết tâm lên đường xuống bến Nhà Rồng để về xứ Phật vào ngày 17/4/1935.

Bản đồ minh hoạ hành trinh Tây du của thiền sư Minh Tịnh

Ngày ra đi, hành trang của ông là một túi dạ đựng đầy kinh Phật, mấy đồng Rupee (tiền Ấn Độ) và vốn Anh ngữ bập bẹ. Trước đó, như nhân duyên phù trợ, Minh Tịnh gặp một người gốc Ấn Độ đại diện cho hội Phó hội trưởng Hội xã tri Madras – Ấn Độ ở Sài Gòn ở đường Catinat (đường Đồng Khởi, Q.1 TP.HCM ngày nay). Nghe Minh Tịnh trình bày lý do đến mảnh đất Ấn Độ, người này đã cảm kích và viết hai lá thư tay gởi gắm, giúp đỡ ông khi đặt chân lên quê hương Phật Tổ.

Ngay từ những ngày đầu tiên, Minh Tịnh đã chọn cách đi đơn giản, tiết kiệm nhất với tâm lý sẵn sàng đón nhận những gian nan thử thách. Trên con tàu viễn dương đi Ấn Độ, ông chọn mua tấm vé hạng chót và lặng lẽ ngồi trên chiếc giường nhỏ trong khoang bếp ẩm thấp dành cho khách bình dân. Hướng mắt nhìn cảnh phố thị Sài Gòn lần cuối trước khi chính thức rời Việt Nam.

Đường Tăng sang Tây Trúc có các đồ đệ tài giỏi hộ vệ, còn thiền sư Minh Tịnh chỉ có một mình.

Ngay lần đầu lên con tàu ngoại, Minh Tịnh tập ăn món ăn Ấn Độ và tranh thủ học tiếng Tamil để sau này có thể giao tiếp tốt nơi xứ người. Tàu đi 8 ngày, ghé Singapore, sau đó cập hải cảng Madras. Cảnh sinh hoạt của người dân nơi đây khiến ông cảm thấy ngạc nhiên.

Bước chân lên đất liền, lần đầu tiên ông thấy cảnh tượng một người kỳ dị, không mảnh vải che thân nằm lăn lóc như người bị bỏ đói. Ông hỏi bạn hữu thì mới ngỡ ra đó là một dạng tu của đạo Fakir- một dạng đạo có thể nói là kỳ dị trong hệ thống đa đạo của Ấn Độ. Ở đạo này, người ta có thể cởi mình trần, nằm cả ngày ngoài mưa nắng, trên chông, gai mà không hề hấn.

Cầm bức thư của Phó hội trưởng Hội xã tri Madras – Ấn Độ trong túi dạ, ông tìm đến một ngôi chùa ngoại đạo (đạo Hin Đu) và nương lại ở đây.

Nhưng điều Minh Tịnh băn khoăn nhất vẫ là rào cản ngôn ngữ. Ở Ấn Độ có nhiều tôn giáo, mỗi giáo có một thứ ngôn ngữ khác nhau, muốn giao thiệp được, chỉ còn một cách là học tiếng để nhập gia tùy tục.

Từng sự kiện trong cuộc hành trình hơn 2 năm đó đã được thiền sư Minh Tịnh ghi rất đầy đủ, chi tiết trong nhật ký “Tây du Phật quốc” dày hơn 300 trang của mình.

Thủ bút của thiền sư Minh Tịnh còn được lưu giữ tại chùa Tây Tạng

Theo cuốn nhật ký, sau 15 ngày đêm lênh đênh trên biển, vào ngày 31/4/1935, thiền sư Minh Tịnh đã đến Ấn Độ.

Điểm đầu tiền mà ông tìm tới là thành Ba La Nại ở Lộc Giã Viên, nơi hình thành 3 ngôi Tam Bảo đầu tiên của đạo Phật. Ông lưu lại đây tu tập khoảng 10 tháng và đi thăm các Phật tích như: Bồ Đề Đạo Tràng (nơi đức Phật giác ngộ), thăm Phật đà gia (Bodhi Gaya) nơi Phật thành đạo.

Thiền sư Minh Tịnh tại Boudhi Gaya

Ấn Độ chỉ là nơi đức Phật tu tập và truyền đạo, còn xứ sở băng tuyết Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) thuộc địa phận Népal mới là nơi thái tử Sĩ Đạt Ta (tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) ra đời.

Từ Boudhi Gaya ông mất 6 ngày mới đến được Himalaya, nơi đây mùa đông chỉ toàn là băng tuyết, ít người có thể chịu nổi cái lạnh của xứ này.

Đặc biệt trong chuyến đi đến Népal của thiền sư Minh Tịnh là được chiêm bái ba ngôi đại tháp thờ Xá Lợi Phật lớn nhất ở Népal là: tháp Simb-Nath, tháp Boudha-Nath, tháp Nam mo- Bouddha.

Sau 12 ngày lưu trú tại xứ sở băng tuyết của Népal, thiền sư Minh Tịnh trở về Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và sau đó ngài xin tổ chức hội để được đi sang đất Tây Tạng, xứ sở của Phật giáo.

Dừng chân tại thành Ghoom

Ngày 27/2/1936 thiền sư Minh Tịnh khởi hành từ Bồ Đề Đạo Tràng đi Tây Tạng. Thiền sư đi bằng tàu hỏa, ngựa và cuốc bộ. Suốt hơn 3 tháng ròng mới đến thành LhaSa, thủ phủ của Tây Tạng.

Trong cuốn nhật ký của mình, thiền sư Minh Tịnh kể về chuyến đi này đầy gian nan, cực khổ. Mùa đông thì băng giá thấu xương, mùa hạ thì khô da cháy thịt, trèo núi băng rừng…
Đường Tăng sang Tây Trúc có các đồ đệ tài giỏi hộ vệ, còn thiền sư Minh Tịnh chỉ có một mình.

Ở Tây Tạng, Quốc Vương cũng là đại đức Lama. Trong chuyến hành hương này, thiền sư đã được yết kiến Quốc vương Tây Tạng.

Thiền sư Minh Tịnh tại Tây Tạng

Ngày 4/10/1936, thiền sư Minh Tịnh xin được cầu pháp với Lama Quốc vương. Quốc vương chấp thuận và tâm ấn trao cho nhiếp chính vương Lama ngự bút ban đặt cho pháp danh: Thubten- Osall Lama.

Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, tu tập, chiêm bái, đạt thành sở nguyện ở Tây Tạng ngày 29/10/1936 thiền sư Minh Tịnh trở về Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và trở về Việt Nam vào ngày 14/6/1937.

Quyết tâm thỉnh xá lợi Phật đem về

Vượt ngàn dặm, băng trùng khơi từ quê nhà tới Ấn Độ, ngoài việc học đạo, thiền sư Minh Tịnh còn ý nguyện một lần được tận mắt thấy xá lợi của đức Phật. Nhưng viếng rồi muốn thấy, thấy rồi lại muốn thỉnh về. Nhưng đây là một điều chưa có tiền lệ. Bởi từ trước đến nay người đến viếng tháp nhiều nhưng rất ít người được chiếu cố cái phước nhìn thấy, huống chi là thỏa ý nguyện được thỉnh một phần xá lợi của đức Phật về. Điều này chính vị quản tháp cũng thừa nhận rằng: “Sáu đời hằng giữ chỗ này, chưa có ai có được hồng phúc ấy”.

Ngày 12/1/1936 (AL), Minh Tịnh sắm lễ vật dâng vị Thượng tọa, người quản tháp Bodha Gaya (nơi được xem là đức Phật thành đạo). Tại đây trong những chiếc bình đựng xá lợi Phật (tức tro cốt của đức Phật hóa thành) chứa xá lợi Phật. Từ đó, trở về nơi trọ, ông thổn thức ngày quên ăn, đêm quên ngủ.

Không nhụt chí, những ngày sau, ông tiếp tục sắm lễ vật đến viếng tháp và thể hiện tâm nguyện với vị quản tháp. Cuối cùng, Minh Tịnh cũng đã thuyết phục được vị quản tháp và chiếu cố cho ông một đặc ân thỉnh xá lợi về quê hương.

Thiền sư Minh Tịnh tại chùa Phật Bửu, Sài Gòn, tháng 4/1951

Buổi trao xá lợi được thiền sư Minh Tịnh trịnh trọng ghi lại như sau: “Vị quản tháp bưng bửu bình xuống, bảo bần tăng lấy một cái khăn vải vàng của Bổn đạo để trên đầu trải ra. Ngài trút cả bình trên khăn rồi bần tăng bèn túm khăn lễ bái đi ra. Bần đạo kiếu luôn về chỗ ngụ được dùng bữa ngọ, lòng mừng khấp khởi. Nếu như từ trước tới nay ngàn vạn người thập phương tới viếng tháp mà không được ý nguyện thì riêng một người An Nam đã làm được”.

Đây cũng được xem là một kỷ niệm để đời trong chuyến Tây du đất Phật của thiền sư Minh Tịnh.

Có thể nói vào những thập niên 30- 40 ở miền Nam Việt Nam, đây là lần đầu tiên Xá Lợi Phật được thỉnh từ Tây Thiên do thiền sư Minh Tịnh mang về.

Thành lập chùa Thiên Chơn và chùa Tây Tạng

Sau khi trở về Việt Nam, thiền sư Minh Tịnh thành lập chùa Thiên Chơn (ở Búng – Lái Thiêu).

Thiền sư Mịnh Tịnh tại chùa Thiên Chơn (Lái Thiêu)

Sau đó, thiền sư được mời về được mời về trụ trì chùa Bửu Hương, vốn là một ngôi chùa nhỏ có tên là Bửu Hương do người dân địa phương xây dựng từ khoảng năm 1930.

Kỷ vật được đem về từ Tây Tạng lưu giữ tại chùa

Chùa sau đó đã được đổi tên thành Tây Tạng Tự đánh dấu chuyến đi hành hương xứ Phật và Tây Tạng của vị trụ trì.

Thiền sư Minh Tịnh viên tịch năm 1951, thọ 63 tuổi.

Năm 1992, chùa Tây Tạng được xây dựng lại theo kiến trúc chùa chiền của xứ sở Tây Tạng.

Kiến trúc đậm chất Tây Tạng của ngôi chùa

Giấc mơ kỳ lạ và pho tượng làm từ tóc người

Pho tượng làm bằng tóc được phác theo chân dung của Đức Bồ Đề Đạt Ma. Vị nghệ nhân chế tạo bức tượng là ông Nguyễn Khắc Bửu, ở TP. HCM.

Ông Bửu không chỉ là một người đa tài mà còn là một võ sư nổi tiếng. Sau một lần đến chùa Tây Tạng chiêm bái đã rất khâm phục cuộc hành trình tới đất phật của thiền sư Minh Tịnh.

Biết thiền sư đã nhận lấy pháp môn chính lý của Đức Bồ Đề Đạt Ma và Đức Bồ Đề cũng chính là người sáng lập võ phái Thiếu Lâm tự nên võ sư Bửu thấy mình như có “căn duyên” với ngôi chùa này.

Pho tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng tóc tại chùa Tây Tạng

Ý tưởng tạc tượng Đức Bồ Đề Đạt Ma cũng nhen nhóm từ đó.

Sau khi đàm đạo và được sự nhất trí của Hòa thượng Thích Tịch Chiếu (đệ tử chân truyền của thiền sư Minh Tịnh, cũng là trụ trì chùa Tây Tạng) năm 1983, ông Bửu cùng 3 người phụ tác khác của mình bắt đầu chế tác bức tượng.

Ban đầu pho tượng cũng được ông Bửu làm bằng vôi vữa, mật đường, cốt thép. Tuy nhiên sau nhiều lần chế tác vẫn không thành công nên đành phải nghỉ một thời gian để nghiên cứu thêm về vật liệu.

Theo lời kể của những sư thầy tại chùa thì tình cờ trong một giấc mơ ông Bửu đã mơ thấy rằng cần phải lấy vật liệu chính là tóc người thì mới chế tác được.

Ngay sáng hôm sau ông Bửu đã trình bày ý tưởng lấy tóc của Phật tử để trộn vào làm nguyên liệu chế tác tượng với Hòa thượng Thích Tịch Chiếu và được ông đồng ý.

Vậy là hàng chục bao tải tóc của các phật tử xuống tóc đi tu ở nhiều ngôi chùa được gom lại. Có được “vật liệu” rồi ông Bửu và các phụ tác trộn chung với vôi vữa, mật đường để chế tác tượng.

Nhờ tóc người nên hỗn hợp trên đã vô cùng kết dính và lần này thì ông Bửu đã thành công.

Pho tượng Bồ Đề Đạt Ma được đặt trang nghiêm trên một bệ thờ ở trai phòng phía sau chính điện, với hình dáng mũi cao, tóc quăn, râu rậm, lông mày xếch ngược, vầng trán nhăn nhíu, đôi mắt to sáng. Tượng có chiều cao 2,32m; chiều ngang tính từ túi càn khôn đến hòm kinh Lăng Già là 1,74m.

Thông thường hình ảnh Đức Bồ Đề Đạt Ma thường được tạo tác đứng trên một cành lau lướt đi trên sông, vai mang chiếc gậy quẩy gánh một chiếc giầy.Thế nhưng, pho tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc ở chùa Tây Tạng lại được tạo tác khác với hình tượng thông thường đó.

Ngài mặc 3 lớp áo, trong cùng màu trắng, tới màu lam nhạt và ngoài cùng màu nâu, lưng thắt một dải lụa màu xanh, quần dài ống rộng bó gọn trong giầy cỏ, các nếp nhăn của trang phục được gợi tả khéo léo và tinh tế.

Trên cổ ngài đeo một vòng tràng hạt lớn, phía sau lại kèm theo một chiếc nón rất đặc trưng Việt Nam. Chiếc gậy của ngài được cải biên gần giống chiếc đòn gánh quen thuộc của người nông dân với một bên là túi càn khôn và một bên là hòm kinh Lăng Già chứ không phải là một chiếc giầy.

Đặc biệt, trên bức tượng còn có cả một chiếc nón lá của Việt Nam. Theo nhiều tài liệu ghi chép, sở dĩ các nghệ nhân chế tác thêm cả chiếc nón lá này vì có nhiều tài liệu cho rằng, trong hành trình từ Ấn Độ sang Trung Quốc truyền giáo, sư tổ Bồ Để Đạt Ma đã đi qua và truyền giáo ở Việt Nam trước.

Pho tượng đã được công nhận là kỷ lục Việt Nam và được đề xuất kỷ lục Châu Á.

Yeubinhduong.com tổng hợp và biên soạn

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here