Ông bố Bình Dương làm ‘công viên bò sát tiền sử’ 1.400 m2 cho con

Hàng ngày, bé Phương (5 tuổi) vẫn giúp bố tắm rửa, chăm sóc cho những chú cự đà có bề ngoài dữ tợn, người lạ không dám đến gần.

Anh Ngô Hoài Nam (35 tuổi), kinh doanh ở Bình Dương, vô tình thấy những chú cự đà, rùa cảnh… có nguồn gốc nước ngoài hơn 10 năm trước. Ngay lập tức anh bị thu hút, lùng mua. Khu vườn nhà anh rộng 1.400 m2 được quây lưới, có cú mèo, chim két bay phía trên… còn phía dưới là hơn 100 chú kỳ đà hoa, rùa châu Phi, cự đà đột biến.

Những sinh vật như trong vườn thú tiền sử, bề ngoài dữ tợn, nhưng đều chỉ ăn thực vật, hiền lành, quấn người. Trong số này, chú rùa châu Phi bạch tạng được anh Nam cưng nhất. Đây là loài có thể sống tới 150 tuổi, có kích thước bằng một con heo. Có lần rùa bị bệnh, anh đi gần 100 km từ nhà lên TP HCM tìm bác sĩ, nhưng không có ai am hiểu về bò sát. Sau cùng anh tự nghĩ ra cách nội soi để lấy khối bệnh ra, cứu sống nó.

Chiếm tỷ lệ lớn trong vườn nhà anh là những con cự đà Beared Dragon, to cỡ bàn tay người lớn. Cự đà chỉ xù lên khi muốn dọa kẻ thù, không bao giờ chủ động tấn công ai. Do vậy, anh Nam để chúng đi lại tự do trong sân.

Đều đặn mỗi ngày, bé Ngô Vũ Nam Phương (5 tuổi) – con gái thứ hai của anh Nam – mang những chú cự đà ra phơi nắng. Còn bố bé hàng ngày hay vắt vẻo trên các cành cây để ‘trò chuyện’ với bầy bò sát và những chú chim săn mồi như đại bàng, cú mèo… “Việc ngã cây xướt xát tay chân như thú vui của tôi”, anh Nam cười nói.

Ông bố 3 con cũng say mê tìm hiểu cách ấp nở các loại. Chẳng hạn với cự đà, anh gần như ăn ngủ với chúng để tìm hiểu đặc tính. “Qua 90 ngày ấp, khoảnh khắc những tiếng động nhỏ trong lồng, những chú cự đà chui ra khỏi trứng làm mình hạnh phúc vô cùng”, anh kể.

Không to lớn và gai góc như cự đà, những chú cóc hay tắc kè trong khu vườn cũng làm nhiều người sợ hãi. “Nó có thể xuất hiện bất thình lình ở bất cứ đâu, nên khu vườn này có lẽ không dành cho người yếu tim”, một vị khách của anh Nam chia sẻ. Vì các loài này ăn côn trùng, đêm nào anh Nam cũng phải rọi đèn pin để muỗi, châu chấu bu tới làm mồi cho chúng.

Các cô bé nhà anh Nam thích đi dạo cùng những chú bò sát “hầm hố”, thậm chí là ăn cùng, ngủ cùng. Đôi khi, bé Phương (phải) đòi ôm một chú cự đà mới có thể ngủ ngon. “Vì phải đi học nội trú, có hôm cô giáo kể bé Phương ngồi một góc khóc thút thít. Hỏi ra mới biết nhớ các bạn thú cưng ở nhà”, anh Nam chia sẻ.

Bận bịu việc kinh doanh, thỉnh thoảng anh Nam “dụ” đồng nghiệp dẫn con cái qua khu vườn để thăm. Ban đầu không ít bạn nhỏ khóc thét vì sợ, nhưng chỉ cần 10 phút làm quen, rùa và cự đà trở nên thân thiết. “Qua việc chăm sóc, yêu thương động vật, các bé sẽ có lòng trắc ẩn, tinh thần trách nhiệm và thói quen quan sát”, anh Nam chia sẻ.

Cũng mê những chú cự đà, chị Trang, vợ anh Nam, kể “tôi thích nhất khi đi làm về, mấy đứa con chưa kịp chạy ra thì thú cưng đã tới dụi đầu vào chân. Lúc chủ vui thì nó chạy nhảy theo chủ, lúc mình buồn thì nó lại nằm im cho mình vuốt ve”. Theo chị, chúng còn biết đi vệ sinh đúng nơi, ngủ đúng chỗ nếu được huấn luyện.

“Có hôm mình cho rùa ăn rồi ngồi ngủ quên trong vườn. Mở mắt dậy đã thấy hàng chục chú rùa bu tới nằm xung quanh, ngủ khì từ khi nào. Thế mới thấy chúng cực kỳ thông minh và quấn người”, chị Trang bày tỏ.

“Xưa giờ người Việt mình đã sẵn có định kiến không hay về bò sát qua những câu như ‘kỳ đà cản mũi’ hay ‘chậm như rùa’. Mục tiêu của mình là cố gắng cho mọi người hiểu bò sát không hung dữ cũng như không mang lại xui rủi”, anh Nam nói.

Trọng Nghĩa/ Vnexpress.net

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here