Doanh nhân Lý Huy Sáng: “Tôi dốc lòng với gốm sứ vì chữ hiếu hơn là vì đam mê”

Lý Huy Sáng được biết đến là người kế nghiệp thành công của doanh nghiệp gia đình họ Lý, với những sáng kiến công nghệ hiệu quả góp phần đưa Minh Long phát triển lên đẳng cấp mới.

Anh có lối trò chuyện nhẹ nhàng và khiêm tốn khá giống cha mình – ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I. Nhìn cách làm việc hăng say của Lý Huy Sáng tại Minh Long I trong mười mấy năm qua, người ta thường hình dung anh là người có niềm đam mê lớn với nghề gốm sứ. Nhưng thật bất ngờ, anh cho biết: “Tôi dốc lòng với gốm sứ vì chữ hiếu hơn là vì đam mê”. Anh nói thêm:

Lý Huy Sáng làm giám khảo tại cuộc thi Chiếc thìa vàng

Từ nhỏ, tôi đã luôn được ba mẹ yêu thương và chăm lo từng li từng tí. Không chỉ lo chuyện ăn ngủ, học hành, ba mẹ tôi còn quan tâm đến cả sở thích của con. Thời ấy, kem là món ăn xa xỉ và ở Bình Dương hầu như không có, nhưng biết tôi thích ăn kem nên mỗi lần có dịp lên Sài Gòn ba tôi đều mua về cho con. Khi tôi lớn lên, ba mẹ tôi lại đầu tư cả máy ảnh, ống kính để con trai thỏa đam mê chụp ảnh. Thấy tôi mê công nghệ thông tin, ba mẹ cũng sẵn sàng bỏ ra món tiền lớn để mua máy tính cho con học… Đến lúc trường thành, tôi luôn mang ơn ba mẹ đã quan tâm, thấu hiểu đam mê của con cái và cho tôi cuộc sống đủ đầy. Nếu có thể làm gì đó để đền đáp thì tôi luôn sẵn lòng. Việc kế nghiệp gốm sứ của gia đình là điều tôi nên làm để ba mẹ an tâm và vui lòng.

Vậy ra, anh theo nghề gốm sứ vì nghĩa vụ chứ không phải vì yêu thích?

Nói vậy cũng không hoàn toàn đúng. Thật ra, gốm sứ đã trở thành một phần máu thịt của tôi từ lúc nào không hay. Ngay từ nhỏ, tôi đã được theo cha đến xưởng, được tiếp xúc với mùi đất, mùi lò nung, được nghe những câu chuyện vui buồn của người nghệ nhân… Những điều này quen thuộc và thân thương đến nỗi nó trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời tôi. Nên dù không phải là đam mê, thì tôi vẫn hết mình với nghiệp gốm sứ mà cha tôi đã nâng niu, phát triển bao nhiêu năm qua.

Gốm sứ không phải là đam mê, vậy đam mê của anh là gì?

Tôi có nhiều đam mê lắm, như ẩm thực, nhiếp ảnh, công nghệ thông tin, thể thao… Và ở mỗi đam mê, tôi đều được ba mẹ tạo điều kiện cho học. Mẹ tôi kể rằng ngày còn nhỏ, tôi không thích chụp hình mà chỉ thích cầm máy ảnh để chụp cho người khác. Khi có được cái máy ảnh trong tay, tôi miệt mài nghiên cứu về ánh sáng góc chụp đến quên ăn quên ngủ. Đến nay, tôi là người thực hiện tất cả các catalogue giới thiệu sản phẩm trong công ty. Về công nghệ thông tin, thì tôi cũng học được kha khá. Nhờ vậy mà tôi thiết kế được phần lớn hệ thống công nghệ thông tin cho chính doanh nghiệp của mình…

Anh Sáng tiếp đoàn sinh viên cao học từ Singapore đến tham quan tìm hiểu về gốm sứ Minh Long

Còn đam mê ẩm thực thì sao, anh bắt đầu khởi nghiệp làm kem cũng như tổ chức cuộc thi “Chiếc thìa vàng” có phải bắt đầu từ sở thích… ăn ngon?

Tôi không chỉ thích ăn ngon mà còn thích nấu ăn nữa. Từ bé, tôi đã thích chơi trò nấu nướng, bán hàng ăn, nghe có vẻ không giống những câu bé chơi đá banh, bắn bi cùng lứa tuổi. Giai đoạn đi du học ở Canada năm 2002, một mình sống trên đất khách nên tôi phải tự chăm lo cho bữa cơm của mình, nhưng không vì vậy mà tôi nấu ăn qua loa. Tôi hay tìm tòi cách nấu món mới từ sách vở, internet và món ăn nào tôi cũng nấu một cách bài bản. Những món ưa thích khi đi ăn nhà hàng tôi cũng cố gắng tự nấu lại ở nhà. Mỗi lần nấu được một món ăn đúng vị mà không cần ai hướng dẫn, tôi thật sự vui thích.

Sản phẩm kem Greenie Scoop

Kem là món tôi yêu thích từ nhỏ, nhưng quyết định làm kem không chỉ để phục vụ cho sở thích của mình, mà còn là món quà dành tặng bạn bè và những người thương yêu. Ngày xưa, khi ăn que kem tôi có cảm giác ngon lành và sung sướng, nhưng nay chỉ ăn kem của mình làm ra tôi mới có cảm giác đó. Có lẽ nhiều người cũng giống như tôi, niềm vui không trọn vẹn khi ăn uống bên ngoài vì “không biết người ta bỏ cái gì vào món ăn cả”. Càng làm về ẩm thực, tôi càng biết nhiều về những sự thật kinh hoàng ở khu vực nhà bếp, vì vậy mà tôi càng ngại khi ăn uống ở những nơi mà người ta chưa quan tâm về vấn đề về sinh an toàn thực phẩm. Tôi nghĩ rằng chỉ những người có cái tâm và trách nhiệm mới nên kinh doanh thực phẩm, nếu không xã hội ngày càng mất niềm tin vào doanh nghiệp. Tôi làm kem chỉ sử dụng nguyên liệu tươi và không dùng hương liệu, để tôi cũng như khách hàng khi ăn đều có thể để cảm xúc trọn vẹn cho việc thưởng thức, không phải lo lắng gì cho sức khỏe.

Theo anh, làm kem với làm gốm sứ, nghề nào khó hơn?

So với làm kem, thì việc làm gốm sứ khó hơn nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều bài học từ làm gốm sứ tôi có thể áp dụng vào làm kem. Chẳng hạn như gốm sứ là sự kết hợp nhiều nguyên tắc về lý, hóa, phải am tường mới làm được. Làm kem cũng vậy, không đơn giản là đổ tất cả nguyên liệu vào một lúc là tạo ra một mẻ kem. Để có loại kem với đầy đủ độ mềm, mịn, dẻo và giữ được tính chất trong tủ lạnh thì phải tính toán khá “đau đầu” về chất và lượng của nguyên liệu, không thể làm một, hai lần mà đạt.

Xưởng sản xuất kem Greenie Scoop

Trong làm gốm sứ, việc chọn nguyên liệu đầu vào là công đoạn kỳ diệu nhất, cần phải có cả bản năng lẫn kinh nghiệm. Ba tôi dùng cả tay và lưỡi để cảm nhận độ mịn, độ dẻo của đất. Nguyên liệu làm kem cũng quan trọng không kém, tôi phải chọn loại sữa có hương vị thơm ngon từ Úc và New Zealand, đường bắp từ Italy và trái cây tôi tuyển lựa cẩn thận từ một số nguồn uy tín trong nước.

Đối với mỗi mẻ kem mới ra lò, tôi hoặc nhân viên thường phải dùng thử trước khi đóng gói. Tôi quan niệm sản phẩm mình bán cho khách hàng cùng giống như cái mình ăn. Chỉ có như vậy, người kinh doanh mới tự đặt trách nhiệm phải làm cho ngon và an toàn. Nếu một doanh nghiệp quan niệm chỉ bán cho người khác chứ mình không ăn thì chắc chắn sẽ không ngại làm ẩu hoặc thêm những chất có hại vào sản phẩm.

Qua những câu chuyện anh kể, có thể thấy anh là người sống nghiêm túc và kỷ luật?

Tôi luôn cố gắng sống như vậy, vì gia đình tôi ai cũng sống nghiêm túc và kỷ luật. Trong cả dòng họ, chỉ có bà nội tôi từng hút thuốc. Còn cả ba tôi và các anh em trong gia đình đều không hút thuốc, uống rượu. Mọi người trong nhà đều quan tâm đến sức khỏe, nên sản phẩm chúng tôi làm ra, từ gốm sứ đến kem, đều đảm bảo an toàn. Tính kỷ luật còn thể hiện ở việc “nói được thì làm được”. Chẳng hạn như trong chuyến đi đến Hokkaido, bạn bè đều nói tôi “ngừng” ăn chay một tuần để thưởng thức các món ăn ngon nổi tiếng sở xứ sở này. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một khi mình đã “phá lệ” một lần, thì sẽ có lần hai, lần ba. Vì vậy, tôi đã “hy sinh” sở thích ăn uống của mình để quyết tâm giữ đúng nguyên tắc ăn chay trong suốt chuyến đi đó.

Gia đình anh Sáng trong chuyến du lịch đến Hokkaido

Thật bất ngờ vì một người đam mê ẩm thực như anh lại quyết định ăn chay?

Tôi ăn chay để khuyến khích vợ tôi cùng ăn một chế độ để điều trị bệnh. Cô ấy bị ung thư nhiều năm và việc ăn chay đã giúp cho sức khỏe cô ấy có những dấu hiệu tiến triển tích cực. Ăn chay không có nghĩa là tôi không còn được thưởng thức những món ăn ngon. Hơn nữa, ăn uống không phải là yếu tố quyết định để mang lại hạnh phúc. Có ai đó nói rằng, hạnh phúc là khi chúng ta có ai đó để yêu thương, có bạn bè để gọi lúc cần và có mục tiêu để hướng đến. Tôi nghĩ điều này rất đúng và tôi cũng đang hạnh phúc đủ đầy như thế!

Cảm ơn anh về những chia sẻ trên!

Theo Xuân Lộc
Báo Doanh Nhân Plus

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here