Người đàn ông nghị lực truyền cảm hứng nhất năm ở Bình Dương

Tai nạn khiến ông Thông phải nằm một chỗ nhưng bằng nghị lực, ông tiếp tục làm cơ khí, sửa chữa xe tải, xe máy… để nuôi mẹ già.

Ông Nguyễn Văn Thông (47 tuổi, thị xã Thuận An, Bình Dương) bị tàn tật 94%. Năm 2002, khi làm công trình ở Khu chế xuất Linh Trung, ông bị xe cẩu đập vào lưng, rơi từ giàn giáo xuống. Tai nạn khiến ông liệt nửa người. Nỗi đau chưa dứt khi vài năm sau, cha và con gái lần lượt qu.a đời, vợ bỏ nhà.

“Cảm xúc của mình dường như nó không còn chỗ cho mình đau nữa hay sao đó. Nhưng mà bỏ đi. Cái gì nó qua rồi bỏ đi. Cơ hội phải tự mình tạo ra thôi. Công việc sẽ xua tan tất cả”, ông nói.

5 năm sau vụ tai nạn, ông Thông tiếp tục hành nghề cơ khí, sửa chữa xe tải, máy móc và gia công đồ inox tại nhà.

Người đàn ông từng là thợ cơ khí lành nghề cho biết, những năm nằm viện chữa trị là thời gian đen tối nhất trong cuộc đời. Ông đã bốn lần định t.ự t.ử.

“Tôi thất vọng với bản thân ghê gớm. Có lần tôi dùng dao cắt mạch máu, có lần cho điện giật hay uống thuốc quá liều để ch.ế.t. Nghĩ trời cho mình sống, t.ự t.ử lại khiến cha mẹ suy sụp nên tôi bỏ ý định, ráng làm người có ích”, ông chia sẻ.

“Công việc hiện cho tôi thu nhập, đỡ được gánh nặng gia đình và thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Mình tàn nhưng không phế”, ông nói.

Đồ nghề thường để trong tầm với của ông. Thi thoảng, ông cũng nhờ cháu trai bế ra giường hoặc lấy đồ từ xa giùm. “Ngày nào cũng vậy, tôi nằm đây từ sáng đến chiều, ăn uống và sinh hoạt ngay trên giường. Mấy máy hàn, khoan, tiện… cũng đều phải tự chế để dễ thao tác khi nằm”, ông cho biết.

Thời gian gần đây, ông còn gia công thêm khóa dây thắt lưng bằng inox. Do có tay nghề, lại làm việc nhiệt tình nên nhiều khách thường mang đồ tới thuê ông sửa. Thậm chí, có những người ở xa hàng chục cây số đến đón ông về tận nhà để nhờ sửa.

Những lúc rảnh rỗi, ông nằm nghe nhạc hay xem những video về cơ khí, máy móc để trau dồi thêm tay nghề.

Ngoài sửa máy móc, ông còn lái thành thạo các loại máy xúc, ôtô. Dân trong vùng hay thuê ông lái máy xúc làm các công trình như san lấp đường, xây nhà, đóng cừ tràm…
Người đàn ông liệt nửa người sửa máy móc ở Bình Dương

Ông Thông được cháu bế ra khỏi máy xúc sau khi kết thúc công việc.

“Ở nhà, ai cũng thương chú ấy. Thấy chú vẫn đi làm được, giàu nghị lực thì lại càng khâm phục mà ráng giúp đỡ, ủng hộ chú trong cuộc sống. Như em, thời gian nghỉ hè gần như ở nhà phụ giúp chú”, Lê Thành Đạt (17 tuổi) cho biết.

Ngoài các cháu, mẹ là người gắn bó và chăm sóc ông thường xuyên nhất nhà. Hàng ngày, ông được mẹ lo việc tắm, giặt giũ tại nhà.

Ở tuổi 70, bà Huỳnh Thị Chung (70 tuổi) nay không còn đi làm mà ở nhà phụ con trai. Những buổi chiều rảnh rỗi, bà đưa con trai đi dạo xung quanh nhà. Bà kể: “Từ hồi tai họa ập đến, một tay tôi chăm sóc nó. Nhiều đêm thức trắng lo cho con. Nhìn con nằm một chỗ mà thương lắm. Cách đây 5 năm, đứa con gái duy nhất của nó cũng m.ất, tôi lại càng xót xa. Cũng may nó giàu nghị lực, chăm chỉ làm ăn”.

Giây phút ông sum vầy cùng mẹ và các cháu trong gia đình. “Cũng vui là anh chị em, con cháu ở gần đây hay qua chơi cho tôi khuây khỏa. Giờ tôi chỉ mong sức khỏe ổn định để vẫn được làm việc nuôi mẹ là hạnh phúc rồi”, người thợ cơ khí quê Bình Dương tâm sự.

Quỳnh Trần/Vnexpress.net

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here