Gã giang hồ trượng nghĩa ở làng đại học Dĩ An kể chuyện giang hồ xưa

Nhiều người hỏi tôi, anh không sợ chúng hại anh sao? Tôi trả lời ngay, một thân một mình sao tôi phải sợ bọn chúng’.

Ở góc ngã tư, một người đàn ông đứng tuổi vẫy tay hỏi thăm một người phụ nữ. Chị phụ nữ nói lớn: ‘Xe tôi hư không nổ máy’. Anh leo lên chiếc xe của mình chạy nhanh đến bên người phụ nữ.

Vá xe miễn phí

Chúng tôi chứng kiến sự việc trên tại ngã tư Quốc Phòng trong Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM (P. Đông Hòa, TX Dĩ An, Bình Dương) vào một buổi sáng. Đường vắng. Anh chạy đến bên người phụ nữ vồn vã hỏi: ‘Nhà chị còn xa không? Nếu chị không ngại cứ lên xe ngồi tôi đẩy về nhà cho’.

Người phụ nữ lên xe, đẩy nhẹ cho xe mình lao đi. Anh từ sau, đưa chân phải vào gác chân của xe chị và tăng tốc. Cả hai xe chạy nhanh trên đường.

Hai người đi như thế suốt một đoạn đường dài gần 2km, rồi rẽ trái. Chạy thêm chừng 1km nữa họ dừng lại. ‘Đến nhà tôi rồi. Cám ơn anh. Anh cho tôi gửi anh ít tiền xăng nhé’. Anh lắc đầu: ‘Tôi không lấy tiền, chỉ muốn giúp chị thôi. Không riêng gì chị, ai gặp nạn tôi cũng giúp cả’.

Quán vá xe miễn phí của anh Minh ở ngã tư Quốc Phòng

Người phụ nữ vào nhà. Anh quay xe trở về chỗ cũ. Chúng tôi hỏi anh: ‘Sao anh đẩy xe giúp chị ấy mà không lấy tiền’. Anh nở nụ cười hiền hậu: ‘Anh nhìn xung quanh đây, nào là bảng bơm vá xe miễn phí, trên chiếc thùng phía sau xe cũng có dòng chữ này kèm theo số điện thoại. Vá xe, bơm xe miễn phí không lẽ đẩy giúp người gặp nạn một quãng đường cũng lấy tiền sao anh?’.

Tôi ngồi trên chiếc ghế đá dưới một cây dù còn mới tinh. Bên cạnh đó, chiếc máy bơm cũng còn rất mới. Anh nói, cả dù cả máy bơm đều của các nhà hảo tâm tặng.

‘Tôi ngồi ở đây hàng chục năm rồi. Chứng kiến nhiều người khổ sở khi bị thủng bánh xe, hết xăng hay không nổ máy tôi không chịu được. Ban đầu, tôi sắm vài chiếc ‘cờ lê’, cây cạy bánh xe rồi mua thêm keo, miếng vá và chiếc bơm tay. Người đi đường ngang qua – đông nhất là sinh viên các trường đại học quanh đây bị bể bánh, tôi đều vá miễn phí. Tôi không lấy tiền bất cứ ai dù họ nghèo hay giàu.

Chiếc xe do nhóm Kết nối yêu thương tặng anh, để anh sẵn sàng lên đường khi nhận được cuộc gọi. Trên xe lúc nào cũng có chai xăng để giúp những người hết xăng dọc đường.

Được một thời gian, tôi nghĩ ‘nếu họ bị nạn ở nơi khác thì sao?’. Thế là tôi ghi số điện thoại lên xe, trên bảng. Từ đó, dù là nửa đêm vẫn có những cuộc gọi cầu cứu và tôi chưa hề từ chối bất cứ ai.

Trường hợp những xe vết thủng lớn quá không vá được buộc lòng phải thay ruột, tôi sẵn sàng thay. Tôi chỉ lấy lại tiền vốn mua ruột, nếu người bị nạn không có để đưa cũng không sao’.

Nói rồi anh chỉ cho tôi chai xăng anh móc trên xe. ‘Rất nhiều trường hợp đang đi xe hết xăng, tôi cho một ít đủ chạy đến cây xăng mà không phải dắt bộ.

Công việc tôi làm âm thầm và lặng lẽ. Vậy mà nhiều người biết đến. Cách nay không lâu nhóm Kết nối yêu thương ở Biên Hòa đã tặng cho tôi chiếc xe Wave Alpha mới tinh. Nhờ có xe này tôi có điều kiện chạy thêm xe ôm để sinh sống và cũng để kịp thời đến với những trường hợp ngộ nạn nơi xa’, anh cho biết.

Giang hồ trượng nghĩa

Câu chuyện đến đây dừng lại. Anh có điện thoại. Tôi có dịp nhìn anh. Một người đàn ông không cao lắm nhưng vạm vỡ. Anh rắn chắc, nước da ngăm đen. Giọng nói chậm rãi nhẹ nhàng …

Anh có tên là Nguyễn Văn Minh. Cả khu đô thị Đại học Quốc gia này ai cũng gọi anh là Minh ‘cô đơn’ bởi anh chỉ sống đơn độc một mình.

‘Đến giờ này, tôi chẳng biết ai đặt cho tôi cái tên như thế. Tôi đi lạc từ năm lên 3 nên không biết cha mẹ ông bà quê quán ở đâu. Tôi lang thang ở bắc Mỹ Thuận vài năm rồi lớn dần. Tôi cũng không biết ai đã nuôi tôi lớn khôn. Chỉ biết đến năm 15 tuổi, tôi tìm đến khu Vườn Chuối ở quận 9 mà sau này là trường bắn Long Bình – nơi xử bắn các tử tội – tá túc với một nhóm giang hồ.

Cầm đầu nhóm này là anh Thái Salem. Anh còn sống và năm nay đã bước vào ngưỡng 80. Nhóm giang hồ này nuôi tôi lớn khôn, dạy cho tôi rất nhiều điều trượng nghĩa. Anh Thái thương tôi vì tôi côi cút nên đã nhiều lần trò chuyện giảng dạy đạo lý ở đời. Tôi không được đi học, không biết chữ nhưng tôi nhớ tất cả những gì anh em dạy tôi …’, Minh nói.

Anh kể tiếp, cuộc sống cứ thế trôi qua. Đến sau 1975 nhóm giang hồ của anh Thái gác kiếm. Mỗi người đi về mỗi nơi. ‘Tôi có nơi nào để về đâu nên cứ bám lại nơi đó. Rồi nhóm khác đến. Nhóm mới khác hẳn với nhóm anh Thái, họ bất chấp tất cả.

Đồ nghề vá xe

Tôi từng chứng kiến họ tàng trữ, buôn bán ma túy. Có lẽ đây là nguồn sống của nhóm ngoài những hành vi cướp giật. Tôi không chịu được nên đã âm thầm tố cáo với chính quyền. Kết quả, nhóm giang hồ này bị tóm gọn. Không thể tiếp tục ở nơi đó, tôi lần mò về khu vực làng đại học …

Tôi có 15 năm để lớn, 20 năm ở trường bắn và tại đây cũng ngót nghét 20 năm. Cộng lại mới xác định được tôi đã 55 tuổi rồi. Ngẫm lại, những lời giáo huấn của các bậc đàn anh đã làm cho thiện tâm trong tôi lớn dậy. Tôi muốn làm, muốn sống cho mọi người. Niềm vui và hạnh phúc của họ cũng là của tôi. Bởi vậy khi tôi về đây chứng kiến nhiều cảnh trái tai gai mắt tôi đã không ngần ngại ra tay giúp đỡ mọi người.

Nhiều người hỏi tôi, anh không sợ chúng hại anh sao? Tôi trả lời ngay, một thân một mình sao tôi phải sợ bọn chúng. Không vợ, không con, không nhà cửa, cái mạng tôi đáng giá gì? Nếu đổi được để đem lại bình an cho mọi người tôi cũng sẵn sàng’.

Chúng tôi tìm đến anh cũng vì những lời kể của các em sinh viên, của người dân xung quanh. Ai cũng thương anh, quý mến anh. Họ xem anh như một tấm gương sáng mặc dù anh rất nghèo. Anh không được học hành nhưng những hành động của anh ít ai làm được…

(còn nữa)

Đọc phần 2: https://yeubinhduong.com/phan-2-hiep-si-giang-ho-giai-cuu-hang-chuc-doi-sinh-vien-tinh-tu-dem-vang-o-khu-lang-dai-hoc-di-an/

Theo Trần Chánh Nghĩa (Vietnamnet)

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here