Nhiều xe máy có giá trị không quá lớn nhưng khi công chứng mua bán phải có đủ chữ ký cả vợ và chồng, hoặc một bên được ủy quyền.
Người dân làm thủ tục sang nhượng xe máy tại Phòng công chứng số 6, Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: NGUYỆT NHI
Những ngày qua, rất nhiều người dân đi công chứng mua bán xe máy tại phòng công chứng trên địa bàn TP.HCM bức xúc vì gặp rắc rối khi được yêu cầu phải có xác nhận độc thân nếu tự mình ký mua bán.
Rắc rối vì thêm xác nhận độc thân
Anh Trần Anh Quân (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) chuyên mua bán xe máy đã qua sử dụng. Từ tháng 4-2019 đến nay, khi anh Quân đi công chứng việc mua bán xe thì được yêu cầu phải có chữ ký cả vợ và chồng nếu là tài sản chung, giấy ủy quyền, nếu không phải có giấy xác nhận độc thân để tự ký bán xe, trong khi trước đây chỉ cần một mình anh đứng ra ký giấy tờ hồ sơ mà không cần giấy xác nhận độc thân.
“Hiện nay giấy xác nhận độc thân là rào cản rất lớn cho chúng tôi trong thủ tục công chứng mua bán xe máy. Rất nhiều người gặp bức xúc như tôi” – anh Quân chia sẻ.
Theo tìm hiểu, ngày 28-3, Sở Tư pháp TP.HCM ra văn bản gửi đến lãnh đạo các tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó đối với việc công chứng mua bán xe máy, Sở Tư pháp yêu cầu lãnh đạo (trưởng) các tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc công chứng.
Nhiều xe máy có giá trị không quá lớn nhưng khi công chứng mua bán phải có đủ chữ ký cả vợ và chồng
Sở Tư pháp dẫn Luật hôn nhân gia đình chỉ ra rằng đó là tài sản chung của vợ chồng (nếu không có căn cứ chứng minh rằng đó là tài sản riêng). Xe máy là động sản, mà theo quy định pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu.
Việc định đoạt (bán) dù cá nhân (vợ/chồng) đứng tên trên giấy tờ xe thì theo quy định phải do hai vợ chồng đồng thuận (cùng ký) hoặc ủy quyền một bên ký bán. Ngoài ra, nếu tự mình ký bán xe máy thì cá nhân đó phải có xác nhận độc thân để bảo đảm thủ tục theo quy định pháp luật.
Nguyên nhân của việc Sở Tư pháp TP.HCM ra văn bản yêu cầu như trên vì sở căn cứ kết luận thanh tra của Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp và công văn của Viện KSND TP.HCM về kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng.
Theo đó, có tình trạng nhiều hợp đồng mua bán xe máy chỉ có bên bán (người đứng tên trên giấy đăng ký xe) ký giao dịch và không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu riêng đối với tài sản của bên bán.
Theo tìm hiểu, việc công chứng bán xe máy yêu cầu có xác nhận độc thân (để chứng minh tài sản riêng, định đoạt riêng) không chỉ riêng tại TP.HCM.
Công chứng viên Phạm Văn Thể – trưởng Văn phòng công chứng Phạm Văn Thể (tỉnh Bình Dương) – cho hay việc công chứng mua bán xe máy tại Bình Dương cũng yêu cầu có xác nhận độc thân, mặc dù thủ tục xác nhận độc thân hiện nay đang gây rắc rối cho rất nhiều người dân. Trong khi thực tế, trừ một số xe máy mới có giá trị tương đối lớn, việc mua bán xe máy phần lớn là xe đã qua sử dụng, mua đi bán lại, giá trị nhỏ.
Cần quy định rõ động sản phải đăng ký sở hữu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một công chứng viên đại diện Hội Công chứng viên TP.HCM cho hay sở dĩ Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp yêu cầu như thế bởi có nguyên nhân gốc rễ là do quan điểm riêng của các cơ quan này khi áp dụng pháp luật về tài sản chung của vợ chồng.
Cụ thể, theo quy định điều 35 Luật hôn nhân gia đình thì khi định đoạt (bán, tặng cho…) tài sản chung của vợ chồng phải có thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản đối với tài sản là bất động sản và động sản, mà theo quy định pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu.
Do bất động sản là tài sản đặc biệt nên quy định hiện hành yêu cầu phải đăng ký sở hữu đối với đất, nhà cửa, kiến trúc trên đất. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định tài sản là động sản nào phải đăng ký sở hữu.
“Xe máy, ôtô nếu chỉ để trong gia đình hoặc trong nhà xưởng sản xuất thì chỉ là tài sản thông thường như bao tài sản khác, không bắt buộc phải đăng ký…” – vị công chứng viên nói và lý giải thêm: Như vậy, việc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp nhận định xe máy là động sản phải đăng ký sở hữu để khi định đoạt (bán) vì tuân thủ Luật hôn nhân gia đình là thiếu cơ sở.
Xét ở góc độ thực tiễn, nhu cầu công chứng mua bán xe máy trong đời sống người dân TP.HCM hằng ngày là rất lớn. Trước đây, các tổ chức công chứng vẫn thực hiện công chứng cho cá nhân (đứng tên đăng ký xe) hoặc phường xã chứng việc bán xe máy bình thường. Xe máy mua đi bán lại hiện giá trị nhỏ, lại là giao dịch rất thường xuyên.
“Việc yêu cầu công chứng bán xe máy phải có xác nhận độc thân là phiền hà không cần thiết. Riêng đối với ôtô, do giá trị khá lớn nên khi mua, người mua thường yêu cầu chặt chẽ hơn, có sự đồng thuận cả hai vợ chồng hoặc một bên vợ chồng thì phải có giấy ủy quyền… chủ yếu để an tâm.
Tuy nhiên, cũng có ôtô cũ giá chỉ vài chục triệu đồng. Các cơ quan chức năng nên xem xét lại vấn đề này để thuận lợi cho người dân trong thực tiễn giao dịch” – vị đại diện Hội Công chứng viên TP.HCM nói.
Hiện nay, theo quy định, các loại tài sản là động sản phải đăng ký bao gồm: đăng ký phương tiện đường thủy nội địa, máy bay, tàu biển, tàu cá; đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; đăng ký phương tiện giao thông đường bộ: xe cơ giới…
Tuy nhiên, xét góc độ pháp lý thì việc đăng ký các phương tiện trên chỉ có ý nghĩa là đăng ký về việc sử dụng, lưu thông với cơ quan nhà nước để quản lý, chứ không có ý nghĩa đăng ký sở hữu.
Tương tự, việc đăng ký xe máy và ôtô cũng chỉ có ý để lưu thông, để quản lý, chứ không phải đăng ký sở hữu. Luật giao thông quy định rõ: xe máy (hay ôtô) muốn lưu thông phải đăng ký, gắn biển số…
Theo Ái Nhân (Báo Tuổi Trẻ)