Nói đến sách cũ, nhiều người sẽ nghĩ đến những quyển sách có phần “không lành lặn”, nằm ở một góc tiệm sách cũ, hay một góc của gia đình. Nhưng đối với người yêu sách, thì sách cũ chứa trong đó không chỉ là kiến thức mà còn là những giá trị văn hóa. Do đó, họ – những người yêu sách cũ luôn săn tìm, nâng niu sách như một người bạn tri kỷ…
Hơn 20 năm gắn bó với sách cũ
Không còn xa lạ với nhiều người, tiệm sách cũ của chị Nguyễn Thị Kim Nga trên đường Yersin, Tp.Thủ Dầu Một nhiều năm nay luôn là điểm đến lý tưởng của những người yêu sách, đam mê sách cũ. Mặc dù thời gian trôi qua nhanh, mọi thứ có thể thay đổi nhưng lòng yêu sách và trụ với nghề bán sách cũ của chị Nga không hề đổi thay. Chị tâm sự, chị bán sách từ năm 1997, chủ yếu mua, bán, trao đổi sách cũ. Hiện nay, thời đại công nghệ số làm thay đổi cách suy nghĩ, cách sống của mọi người nhưng đối với chị giờ đây và ngày xưa không khác. Chị vẫn yêu sách, bán sách và sẽ mãi gắn bó với nghề.
Chị Nguyễn Thị Kim Nga (TP.TDM) đang sắp lại từng cuốn sách cũ phục vụ bạn đọc thích hoài cổ
Chị Nga cho hay, nguồn sách cũ hiện nay chủ yếu được lấy ở TP.Hồ Chí Minh và từ những người thu mua ve chai, mối quen biết. “Khi nắm được thông tin có sách từ những nguồn này, việc đầu tiên là chị phải đến thật nhanh và bắt đầu lục tìm, phân loại rồi ngã giá. Đối với những cuốn sách bị hư hỏng, trang bị ngả màu, gáy, bìa bị rách… nhưng có năm xuất bản khá lâu, tên tác giả nổi tiếng thì sau khi mua về, chị sẽ đóng lại”, chị Nga nói.
Cũng nhờ tình yêu sách cũ của chị mà có nơi để những người có thú sưu tầm sách cũ tìm đến. Trò chuyện với một bạn trẻ đang tìm sách, chúng tôi được biết bạn tên Nguyễn Văn Nam, hiện là sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một. Bạn Nam cho biết, bạn thích sách cũ, cũ người nhưng mới ta. Bên cạnh những giá trị về mặt thông tin ở những quyển sách cũ mà hiện nay đã không còn xuất bản, thì một điều bạn Nam rất thích thú đó là bút tích còn được lưu giữ trong quyển sách cũ. Có khi đó là chữ ký của tác giả, có khi đó là chữ ký tặng của những người bạn với nhau… Tất cả đều là những giá trị rất đáng được trân trọng, giữ gìn.
Sưu tầm hơn 3.000 cuốn sách cũ
Những trang sách nhuộm màu thời gian ấy, có một sức hút mãnh liệt với những ai đã “trót yêu” chúng. Trường hợp ông Lê Hưng (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) là một điển hình cho tình yêu sách cũ. Trong nhà ông hiện nay có hơn 3.000 cuốn sách, đa phần là sách cũ được ông sưu tầm từ thời còn là thanh niên. Trong đó chủ yếu là sách Đông y, văn học, triết học, lịch sử. Ông Lê Hưng tâm sự, thời đại mà nhiều người trẻ cho rằng sách sẽ không cần thiết nữa. Đơn giản vì họ nghĩ, cần thông tin gì đó chỉ cần lên mạng tìm là có ngay. Bên cạnh đó, nếu muốn mua sách thì cũng rất đơn giản, bạn có thể mua ở những cửa hiệu sách đang phổ biến, hoặc cũng có thể mua sách trên những website chuyên kinh doanh sách. Thế nhưng, nhiều cuốn sách đã xuất bản khá lâu không tái bản thì khó có thể tìm mua được. Bên cạnh đó, có những cuốn sách chỉ tái bản một lần thì dù có đăng tải thông tin tìm kiếm cũng rất khó. Lúc này chỉ có những tiệm sách cũ mới tìm được. Đối với ông, việc gặp được một quyển sách hay nó như một cái duyên, không phải muốn mà được, ví như quyển từ điển Pháp được xuất bản từ thập niên 50. Cuốn sách này ông phải đi tìm rất lâu, nhiều nơi mới mua được. Mặc dù nó đã có “tuổi đời” khá lâu nhưng được ông nâng niu nên vẫn còn nguyên vẹn. “Đọc những bản sách cũ được xuất bản từ lâu vẫn có cái thú riêng của nó. Trước hết là tiếp thu được những bản in nguyên gốc của tác phẩm, mà điều này thì nhiều bản in hiện nay không đáp ứng được… Thêm vào đó, sách cũ làm cho người đọc có cảm giác nâng niu, giữ gìn và một chút gì hoài niệm của một thời đã qua”, ông Lê Hưng nói.
Cũng như ông Lê Hưng, hiện nay trên địa bàn tỉnh theo lời của cán bộ Thư viện tỉnh có rất nhiều các cô, chú lớn tuổi mê đọc, sưu tầm sách cũ. Và mỗi năm, các cô, chú lại đem đến thư viện tặng lại những cuốn sách hay, mình ưng ý. Đối với các cô, chú sách không chỉ là người bạn mà còn là tri kỷ. Mặc dù đã trao tặng nhưng hay hỏi thăm dạo này “nó” thế nào có bị xuống cấp không? Trân trọng những giá trị của sách, nhất là giá trị thời gian được lưu trữ trong sách, cán bộ thư viện tỉnh luôn bảo quản thật tốt để những cái xưa cũ trở nên vô giá, là món quà quý đối với thế hệ trẻ – những con người đam mê sách.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Bình Dương, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 10 tiệm sách cũ. Những người gắn bó với nghề mua bán, trao đổi sách cũ đều là những người đam mê sách, góp phần phát huy văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh. Từ niềm đam mê đó họ đã thắp lại “ngọn lửa” đam mê đọc sách cho lớp trẻ hiện nay.
Theo Thiên Lý (Báo Bình Dương)