Làng sơn mài Tương Bình Hiệp ở tỉnh Bình Dương xuất hiện từ nhiều thế kỷ qua và nổi tiếng khắp vùng Nam bộ, được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Từ giữa thế kỷ 18, nhiều thợ sơn mài từ vùng đất miền Trung trong quá trình di dân đã mang theo nghề vào đất Đồng Nai, Gia Định, trong đó có Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Trong hình là hồ nước để mài bóng sản phẩm sơn mài.
Theo thời gian, nơi này xuất hiện nhiều nghệ nhân tài hoa như: Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trương Văn Cang, Trần Văn Nam và một số thầy giáo nổi tiếng như: Châu Văn Trí, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Tuyền, góp phần trong việc thúc đẩy sự phát triển của làng nghề.
Nhiều cơ sở sơn mài mọc lên, sản phẩm cũng ngày càng trở nên phong phú đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu sử dụng của khách hàng. Tương Bình Hiệp đã trở thành một thương hiệu sơn mài nổi tiếng.
Sản phẩm sơn mài tại đây có nhiều thể loại như: sơn lộng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng và sơn khắc. Riêng loại truyền thống làm sơn mài Tương Bình Hiệp là một hỗn hợp sơn Nam Vang và sơn Phú Thọ được pha chế riêng khác với các vùng trong nước.
Quá trình tạo nên một tác phẩm sơn mài truyền thống phải trải qua 25 công đoạn.
Mỗi bức sơn mài Tương Bình Hiệp trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao bởi sự tỉ mỉ, tâm huyết sáng tạo đến từng chi tiết của các nghệ nhân.
Sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được kiểm định chất lượng trước khi đưa ra thị trường.
Hiện những sản phẩm sơn mài cẩn tre, nứa, vỏ cây… thay cho trai, ốc, vỏ trứng truyền thống của làng nghề đã định hình, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, đặc biệt là những thị trường mỹ nghệ khó tính như: Mỹ, Pháp, Hà Lan.
Nét đẹp truyền thống của sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ chính là sự tinh xảo, thanh thoát trong mỗi chi tiết, đường nét.
Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được một số chuyên gia đánh giá có khả năng chịu được cả ở vùng khí hậu hàn đới châu Âu, không bị bong nứt hoặc biến dạng. Giá mỗi sản phẩm tại đây dao động từ vài trăm đến cả chục triệu đồng, tuỳ mẫu mã.
Du khách đến vùng này có thể tham quan quy trình sản xuất, chiêm ngưỡng các sản phẩm và mua về làm quà.
Hồng Hà / Vnexpress.net